Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Sản xuất theo mô hình an toàn, giữ sao cho sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà ở cả vùng sâu, vùng xa. Nhiều cây trồng, sản phẩm từ chỗ tự phát, manh mún đã trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng miền.

Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Đáng chú ý, chương trình đã thúc đẩy hướng phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế. Đến nay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã trở thành một giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn liền với xây dựng nông thôn mới, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai hiệu quả và thành công.

Tại tỉnh Tuyên Quang, sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP đã tạo ra nhiều sản phẩm của các địa phương khẳng định lợi thế, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn, chất lượng thì việc giữ vững và nâng hạng tiêu chí của các sản phẩm đã được công nhận cũng được xem là một thách thức.

Sản phẩm chè của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh được trưng bày tại sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang

Sản phẩm chè của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh được trưng bày tại sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang.

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 128 sản phẩm OCOP trên địa bàn 64 xã, phường, thị trấn của 85 chủ thể gồm 65 hợp tác xã, 8 doanh nghiệp, 5 tổ hợp tác và 7 hộ kinh doanh, trong đó có: 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Các sản phẩm sau khi được nâng hạng sao đều có sự phát triển cả về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định được vị thế trên thị trường.

Mặc dù xác định rõ, để khẳng định uy tín, chất lượng và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận, gắn sao cần chú trọng đến việc nâng sao cho các sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình nâng hạng sao gặp không ít khó khăn.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh bên các sản phẩm chè đạt sao OCOP của HTX.

Anh Phượng Quý Chu, Giám đốc HTX Đồng Tiến, thôn Tân Lập, xã Thổ Bình (Lâm Bình, Tuyên Quang) cho biết, sản phẩm chè Shan Khau Mút được công nhận 3 sao OCOP năm 2020. Mặc dù đặt ra mục tiêu nâng hạng lên 4 sao, song quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc tìm ra mẫu mã đặc trưng cho sản phẩm chè Shan Khau Mút để không lẫn với các sản phẩm chè ở các địa phương khác là không dễ; việc đầu tư tem nhãn, bao bì sản phẩm còn hạn chế; chè thu hoạch theo mùa nên nguồn cung ra thị trường thiếu ổn định, không thường xuyên… Ngoài ra, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các kênh online, thương mại điện tử cũng còn hạn chế nên việc nâng hạng sao cho sản phẩm cũng gặp khó khăn.

Quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao... Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ 5 sao là do Hội đồng Trung ương xét, công nhận.

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, OCOP sẽ là cơ sở, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.

Năm 2021, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 4 sao. Từ thành công này, sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, lượng tiêu thụ sản phẩm tăng nhanh, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

lãnh đạo tỉnh và huyện Chiêm Hoá đang thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và huyện Chiêm Hoá thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát.

Thông tin trước báo chí, chị Phạm Thị Hồng, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát cho biết, sau khi sản phẩm được công nhận tiêu chí sản phẩm OCOP, cơ sở đã không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm, tham gia quảng bá tại các hội chợ, tạo hệ thống liên kết bán hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ, như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... Để ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, ngoài việc thu mua nguyên liệu từ các địa phương, chị cũng khuyến khích, hướng dẫn các hộ dân ở xã trồng và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Để giữ vững và tiếp tục nâng cao hạng sao cho các sản phẩm OCOP đã được phân hạng, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương thông tin trên báo Nhân dân cho biết: Xuất phát từ những bài học kinh nghiệm, trong thời gian tới, cần tiếp tục có những giải pháp nhằm thu hút, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể, cụ thể là: Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các chủ thể, đặc biệt là thông qua các câu chuyện thành công, điển hình từ thực tiễn. Bên cạnh đó là sự thay đổi tư duy của các cán bộ, cơ quan quản lý Chương trình OCOP trong quá trình triển khai. Cần truyền tải, tạo động lực, nhiệt huyết, niềm tự hào của mỗi chủ thể về sản phẩm OCOP, đặc biệt là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tiếp theo là hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng. Tập trung nâng cao giá trị về văn hóa, từng bước hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị, đặc biệt là xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, để hình ảnh sản phẩm, nâng cao hàm lượng về giá trị văn hóa đối với mỗi sản phẩm.

Từ đó, tiếp tục tập trung các giải pháp nâng cao năng lực, sự chủ động của các chủ thể theo hướng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn.

Thanh Tú

Theo KTĐU

Từ khóa: