Tỉnh miền núi vùng cực Bắc Hà Giang là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) khai khoáng. Ngoài 175 mỏ có tên trong danh sách, các điểm mỏ chì, kẽm, vàng, mangan, bauxit...
Tỉnh miền núi vùng cực Bắc Hà Giang là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) khai khoáng. Ngoài 175 mỏ có tên trong danh sách, các điểm mỏ chì, kẽm, vàng, mangan, bauxit… rải rác trên địa bàn tỉnh có hấp lực rất lớn với DN hoạt động trong lĩnh vực này. Nhiều DN khai khoáng đã thành công và cũng có không ít DN lâm vào cảnh nợ nần vì gặp phải “mỏ đểu”.
Trụ sở Cty QL - DN đang lao đao vì đầu tư vào “mỏ đểu” . Ảnh: D.Th.Tùng
Trong bài viết “Vị Xuyên, Hà Giang: Xóm nước đen dưới chân núi Bạc”, đăng trên Báo Thanh tra ra ngày 12/7/2012, chúng tôi đã phản ánh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, gây ô nhiễm môi trường của DN Khai khoáng QL. Cty QL, trên thực tế đang rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì vướng vào khu mỏ chẳng còn gì để khai thác.
Tìm đến trụ sở Cty, chúng tôi gặp vợ chồng Giám đốc tên H ở Hà Nội lên. Mặt buồn rười rượi, vợ chồng ông H kể với chúng tôi quá trình đầu tư và đối mặt với thất bại nhãn tiền ở khu mỏ Ngọc Hà (thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên).
Người dân thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên cũng đang điêu đứng do ô nhiễm vì đầu tư khai khoáng bất thành của Cty QL. Ảnh: D.Th.Tùng
Tin lời một “thuyết khách” từng làm ăn chung, vợ chồng ông H cầm cố mấy căn nhà ở vị trí đắc địa ven hồ Tây, đem tiền lên Hà Giang, liên kết, liên doanh khai thác mỏ. Có giấy phép trong tay nhưng ông H vẫn thuê thêm một Cty chuyên khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản (Cty khảo sát) có pháp nhân và uy tín - khảo sát lại trữ lượng mangan ở mỏ Ngọc Hà. Nhiều tỷ đồng được bỏ ra cho việc khảo sát này và ông H vẫn nhận được hồ sơ báo cáo “trữ lượng mangan mỏ Ngọc Hà xấp xỉ 60.000 tấn”. Từ trữ lượng đợt khảo sát này, vợ chồng ông quyết định dốc trọn 20 tỷ đồng cho việc khai thác. Chưa đầy 3 tháng sau khi điều máy móc, công nhân vào hiện trường, ông H không tin vào mắt mình vì khu mỏ này vốn dĩ đã không còn gì từ hồi… Pháp!
Lỡ phóng lao thì phải theo lao và vì “tiền bạc không phải vỏ hến”, ông H tiếp tục bỏ thêm tiền thuê Cty khảo sát khác, khảo sát lại với niềm tin mãnh liệt là mình không bị lừa. Tuy nhiên, con số khảo sát và trữ lượng quặng thực tế lại một lần nữa khiến vợ chồng ông chìm sâu trong thất vọng.
Giới làm ăn trong lĩnh vực khai khoáng ở Hà Giang đang truyền tai nhau câu chuyện “mỏ đểu” - hồ sơ thật, trữ lượng giả. Dù đã cảnh giác nhưng không ít chủ DN - kể cả những người có thâm niên khai khoáng vẫn trắng tay vì bị bẫy, dốc vốn liếng đầu tư vào “mỏ đểu”.
Tháng 7/2009, Cty TNHH DT liên kết với một DN Nhà nước của Hà Giang, bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư, khai thác trên diện tích 30ha mỏ ở Bản Đén (xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên). Đến thời điểm này (tháng 7/2013), tròn 4 năm trôi qua, cả 2 DN vẫn phải đều đặn chung nhau trả lãi ngân hàng vì khu mỏ không có khoáng sản như hồ sơ khảo sát.
Theo các chủ DN, tình trạng “mỏ đểu” bắt đầu từ “hồ sơ đểu” và tiếp đến là “tân trang” lại hiện trạng mỏ. Ảnh: D.Th.Tùng
Theo các chủ DN, tình trạng “mỏ đểu” bắt đầu từ “hồ sơ đểu” và tiếp đến là “tân trang” lại hiện trạng mỏ. Để đưa DN nào đó vào tròng, một số cá nhân đã tạo ra kịch bản khép kín từ việc “thuyết khách” đến việc khảo sát trữ lượng (thông qua Cty có chức năng khảo sát). Trữ lượng khoáng sản ở một khu mỏ có thể bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với hiện trạng để tạo niềm tin cho chủ DN.
Với kịch bản hoàn hảo, chủ DN chỉ thực sự biết mình bị lừa khi đối diện với thực tế khai thác. Trắng tay vì gặp “mỏ đểu” nhưng các chủ DN không thể nhờ pháp luật can thiệp vì các công đoạn tiếp cận, khảo sát, xin giấy phép, đầu tư, khai thác… đều do chủ DN tự nguyện sa chân vào bẫy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Hà Giang có thêm 2 DN “vướng bẫy” gỡ không ra là Cty GT và Cty SP. Cả 2 DN đang phải oằn lưng trả lãi vay ngân hàng vì bỏ tiền mua phải khu mỏ được “nâng cấp hồ sơ” và “tân trang hiện trạng”. Việc khai thác khu mỏ - theo lời chủ DN thì chỉ là con số 0 về khoáng sản.
Dương Thanh Tùng
theo Thanh tra