Sự kiện hot
13 năm trước

Hạ Long thăng…. giá!

"Khi trở thành Kỳ quan thế giới mới thì phải tăng giá cho… xứng tầm! Và cụm từ “du lịch cỏ” không biết là có ám chỉ những du khách là dân lao động ít tiền? Có cảm giác tình yêu Hạ Long của mình bị… phản bội"

"Khi trở thành Kỳ quan thế giới mới thì phải tăng giá cho… xứng tầm! Và cụm từ “du lịch cỏ” không biết là có ám chỉ những du khách là dân lao động ít tiền? Có cảm giác tình yêu Hạ Long của mình bị… phản bội"

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Những “lùm xùm” xung quanh việc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long chưa kịp lắng xuống thì chỉ ít ngày sau, gần như  ngay lập tức, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định tăng giá vé tham quan lên gấp đôi. Không chỉ giá vé các tuyến đều tăng 100% so với cũ mà khách du lịch còn phải mua vé theo từng tuyến tham quan. Nếu du khách muốn đi tham quan thêm một hoặc một số điểm của các tuyến du lịch khác nhau bắt buộc họ phải mua tất cả các vé của tất cả các tuyến này thay vì chỉ phải mua vé bổ sung từng điểm một của tuyến như trước đây. Ví dụ trước đây, khi khách du lịch đi tham quan tuyến hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung với giá 40.000 đồng mà muốn đi tham quan thêm đảo Titop thì chỉ phải mất thêm 10.000 đến 20.000 đồng. Nay khách buộc phải mua đồng thời 2 vé ở 2 tuyến khác nhau với tổng số tiền lên tới 170.000 đồng.

Không dừng ở đó, quyết định “bất ngờ” này còn được áp dụng ngay từ 1/12/2011, tức là chỉ vừa đúng 20 ngày sau khi kết thúc bầu chọn (1/11/2011). Việc “bất thình lình” đã gây rất nhiều khó khăn cho các hãng du lịch, gây sự phản đối của du khách nước ngoài, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Hạ Long.

Lý do mà phía Quảng Ninh đưa ra, theo trả lời báo chí của ông Đỗ Đức Thắng, Phó Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long: “Giá vé tham quan Vịnh Hạ Long hồi trước là quá rẻ so với các di sản khác trên thế giới. Một nguyên nhân nữa là lạm phát, trượt giá quá lớn trong thời gian qua, mà vẫn giữ giá phí cũ thì không ổn, lấy tiền đâu đầu tư, bảo tồn di sản? Thêm nữa, tăng giá vé cũng là để tránh được tình trạng quá tải khách tham quan Vịnh Hạ Long, nhiều điểm tắc nghẽn thì dịch vụ cũng sẽ kém đi”. Ông Thắng còn cho biết Hạ Long không phải là điểm du lịch “cỏ”, ai muốn đến thì đến: “Vịnh Hạ Long là di sản quý giá mà giá vé quá thấp không xứng tầm di sản thế giới. Giá vé thấp thì có người lại nghĩ là phải chăng giá trị vịnh Hạ Long cũng thấp tương xứng. Vịnh Hạ Long không phải là điểm du lịch “cỏ” mà ai muốn đến là đến...” .

Những điều vị Phó ban quản lý Vịnh Hạ Long nói có thể hiểu là khi đã là Kỳ quan thế giới mới thì phải tăng giá cho… xứng tầm! Và cụm từ “du lịch cỏ” không biết là có ám chỉ những du khách là dân lao động ít tiền?

Đọc những thông tin này không thể không bức xúc và có cảm giác mình như bị lừa, bị… phản bội. Có lẽ tất cả những ai đã bỏ tiền bạc, công sức để tham gia bình chọn cho Vịnh Hạ Long đều xuất phát từ niềm tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc. Tôi cũng đã mất mấy đêm hí hoáy nhắn tin bình cho Vịnh Hạ Long với một ý nghĩ giản dị để góp phần giúp đồng bào mình, bà con mình Đất Mỏ có thêm thu nhập, để các em thơ nơi đây cắp sách đến trường bớt những khó khăn… Và rộng hơn, để Hạ Long phát triển, mọi người dân trên cả nước sẽ được đến thăm di sản mà trời ban tặng cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Thế mà giờ đây, sau khi được bình chọn, (dù chưa chắc chắn, theo New7wonders qui định, sau 3 tháng mới công bố chính thức) thì việc làm đầu tiên mà Ban quản lý Vịnh Hạ long làm lại là tăng giá để ngăn… du lịch “cỏ”. Nếu trước đây, chúng ta từng bức xúc với việc thu phí qua các phương tiện của New7wonders thì giờ đây càng bức xúc hơn vì cách tăng giá của Vịnh Hạ Long. Càng buồn lòng hơn khi nhìn sang nước láng giềng Campuchia, vé tham quan Angkor chỉ bán cho khách quốc tế còn khách nội địa được miễn phí. Họ quan niệm rằng, di sản là của cha ông để lại và con cháu được quyền thụ hưởng bình đẳng và quyền được biểu biết về những gì cha ông đã làm nên.

Và như có điều gì đó ân hận khi nhớ lại những đêm hì hụi nhắn tin bầu chọn cho họ để giờ đây, họ móc lại túi mình. Khi tôi viết những dòng cuối cùng này, từ nhà hàng xóm bỗng vọng sang lời hát ru cháu của bà cụ hàng xóm: “Công anh xúc tép nuôi cò – Để giờ cò lớn cò dò lên cây”.  

Bùi Hoàng Tám
Theo Dantri

Từ khóa: