Sự kiện hot
12 năm trước

Hà Nội đang mất dần chợ truyền thống…?

Những cái chợ vốn tồn tại từ rất lâu giữa lòng Hà Nội đã và đang bị thay thế bằng trung tâm thương mại, siêu thị…

Những cái chợ vốn tồn tại từ rất lâu giữa lòng Hà Nội đã và đang bị thay thế bằng trung tâm thương mại, siêu thị… 

Theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ không xây mới các chợ ở khu vực nội đô từ vành đai 2 đến trung tâm; Hạn chế xây xựng các chợ ở khu vực từ vành đai 2 đến sông Nhuệ và khu vực phát triển mới. Tuy nhiên khi không còn chợ liệu người dân có đi siêu thị thay vì đi chợ không?

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn TP có 411 chợ, riêng nội thành, bình quân 1 quận có 10,3 chợ lớn nhỏ các loại. Dự kiến, tất cả những chợ lớn nhỏ này rồi đây sẽ được cải tạo, chuyển đổi, xây dựng lại… thành các siêu thị loại I, loại II, loại III… mà người ta gọi là “chợ hiện đại”, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Dự án Trung tâm thương mại chợ Mơ.

Thống kê của UBND TP.Hà Nội cho thấy, đến hết năm 2011, trên địa bàn TP có 20 trung tâm thương mại, chiếm khoảng 15% số trung tâm thương mại của cả nước, 110 siêu thị đang hoạt động, chiếm khoảng 19% số siêu thị của cả nước. Siêu thị hay trung tâm thương mại có thể coi là một loại chợ hiện đại, chủ yếu tập trung tại khu vực TP, đông dân cư, nơi người dân có điều kiện kinh tế khá. Còn đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình trở xuống vẫn lựa chọn mô hình chợ truyền thống cho việc mua sắm của mình.

Đối với phương hướng phát triển mạng lưới chợ, TP định hướng sẽ không xây mới chợ ở khu vực nội thành và sớm cải tạo các chợ truyền thống thành chợ đa năng. Đồng thời sẽ lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn (có diện tích trên 10.000m2) hiện có thành chợ hạng 1, khang trang hiện đại, hình thành nên các khu thương mại trung tâm. Từng bước chuyển hóa các chợ dân sinh loại nhỏ (có diện tích nhỏ hơn 2.000m2) thành các siêu thị hạng 3, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời di dời các chợ bán buôn nông sản trong nội thành ra ngoại thành để xây mới các chợ bán buôn nông sản quy mô lớn.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, trong bản quy hoạch mới này, Hà Nội tập trung vào việc phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại mà quên mất vai trò của các chợ truyền thống. Thậm chí theo bản quy hoạch này, nhiều chợ ở khu vực nội thành sẽ bị thay thế bởi các siêu thị. Điều này chưa chắc đã mang lại những hiệu quả tốt. Bởi như đã nói ở trên, vai trò của các chợ dân sinh là rất quan trọng và không thể thay thế bởi các siêu thị.

Theo khái niệm mới, người ta gọi các chợ vẫn tồn tại hàng trăm năm qua là “chợ truyền thống”, còn các siêu thị là “chợ hiện đại”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, siêu thị không thể gọi là chợ và chỉ có “chợ mới là chợ”. Theo nhiều người dân sống xung quanh khu vực chợ Hàng Da, từ ngày chợ được xây mới, bên ngoài được bịt kín mít toàn quảng cáo những mặt hàng xa xỉ, chúng tôi chọn đi chợ ở vỉa hè, ngõ xóm hoặc gánh hàng rong. Các ngõ nhỏ xung quanh khu vực này giờ đây trở thành những chợ tạm, chợ cóc. Các tiểu thương bán thịt, cá, thực phẩm… trong chợ trước đây, giờ đi thuê nhà trong ngõ để bán hàng.

Tương tự chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam giờ đây cũng không còn là chợ. Một số người dân sống gần chợ cho biết, tuy mặt ngoài chợ vẫn có cái biển ghi là “Chợ Cửa Nam”, nhưng bên trong “biến tướng”, chỉ còn một cái khoảnh rất nhỏ có bầy bán một số mặt hàng. Mà cái gì cũng đắt lắm, bày cho vui thế chứ ai mua?.

Một trong những chợ tồn tại từ rất lâu giữa lòng Hà Nội, với sự buôn bán khá sầm uất, đó là chợ Mơ. Vài năm nay, chợ Mơ được phá đi xây mới với tên gọi “Dự án Chợ Mơ – khối văn phòng”, với quy mô 20 tầng và một bãi đỗ xe với sức chứa 500 ô tô.

Trong khi các chợ truyền thống bị biến thành siêu thị và trung tâm thương mại, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, chợ cóc, chợ tạm lại mọc lên khắp nơi mà các cơ quan chức năng dường như vẫn chưa có biện pháp xử lí hữu hiệu. Không chỉ diễn ra trên các mặt phố lớn, chợ cóc len lỏi vào các khu dân cư, các ngõ nhỏ. Rất nhiều người lựa chọn chợ cóc bởi tính tiện lợi cũng như đáp ứng được nhu cầu mua bán đơn giản hàng ngày. Chỉ là mớ rau, miếng thịt, người tiêu dùng không muốn phải gửi xe để vào siêu thị hay các chợ lớn. Họ chỉ cần tạt vào chợ cóc ngay khu dân cư nhà mình là có thể mua được ngay những mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày với giá cả phải chăng. Do đó mà các chợ cóc vẫn tồn tại, thậm chí sống rất “khỏe” mặc cho các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân dẹp bỏ.

Một khi đã thay thế chợ bởi các siêu thị sẽ có rất nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng và thường là theo chiều hướng tiêu cực. Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam: “Khi người dân không được tạo điều kiện bán hàng ở chợ dân sinh, họ tiếp tục bán hàng trên vỉa hè trong khi cảnh sát cứ đuổi họ. Cách tốt nhất là tuyên truyền, nghĩ ra một mô hình chợ và cố gắng tạo nên hình ảnh đẹp hơn về chợ”.

Trúc Ly
theo Nhân Đạo & Đời Sống

Từ khóa: