Sự kiện hot
5 tháng trước

Hà Nội: Giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tiếp tục tăng mạnh

Giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đang chứng kiến sự leo thang mạnh mẽ, phản ánh sức nóng của thị trường bất động sản trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Khi các thương hiệu lớn và nhà bán lẻ quốc tế tích cực săn tìm vị trí đắc địa, nhu cầu thuê tăng vọt khiến giá cả tiếp tục leo thang, đặc biệt tại các khu vực trung tâm sầm uất. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt với thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để phát huy sức cạnh tranh trong thị trường đầy tiềm năng.

Cho Thuê Mặt Bằng Kinh Doanh Dự Án Siêu Thị Du Lịch Làng Nghề Đà Lạt -  Village Travel P
Hà Nội: Giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tiếp tục tăng mạnh.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu xu hướng tài sản và di cư toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) và công ty về lĩnh vực định cư, quốc tịch thông qua đầu tư Henley & Partners (Thụy Sĩ), số lượng triệu phú tại Việt Nam (người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên) đã tăng 98% trong giai đoạn 2013-2023, nhanh nhất thế giới.

Cùng với đó, du lịch Việt Nam ghi nhận khả năng phục hồi tốt trong giai đoạn hậu đại dịch, đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành bán lẻ. Theo Cục Du lịch Quốc gia, Việt Nam đón hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế vào tháng 6 vừa qua. Luỹ kế 6 tháng đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những yếu tố này đã thúc đẩy nhu cầu hiện diện, mở rộng của các thương hiệu quốc tế tại thị trường Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, nguồn cung bất động sản bán lẻ nhìn chung duy trì đà tăng trưởng. Đến quý II/2024, nguồn cung tại TP. Hồ Chí Minh đạt gần 1,5 triệu m2 diện tích cho thuê, tăng 2% theo quý. Dự kiến đến năm 2026, thị trường sẽ có hơn 188.000 m2 sàn từ 12 dự án. Tại Hà Nội, tổng nguồn cung giảm 1% theo quý nhưng vẫn tăng 4% theo năm, chủ yếu do Robin Department Store đóng cửa. Trong 5 năm qua, nguồn cung đạt mức tăng trưởng trung bình 3%/ năm.

Trong báo cáo mới đây, hãng dịch vụ bất động sản Savills cho biết, các thương hiệu mới gặp thách thức khi tìm kiếm mặt bằng tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội bởi giá thuê liên tục tăng.

Cụ thể, giá thuê trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm đã tăng từ 3,1 triệu đồng lên 3,4 triệu một m2 mỗi tháng. Trong khi các trung tâm bách hóa cho thuê với giá 2 triệu đồng mỗi m2 một tháng.

Giá thuê tăng cũng tạo áp lực lên tỷ lệ lấp đầy mặt bằng. Quý II, công suất thuê mặt bằng bán lẻ có xu hướng giảm 3% theo quý và 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 84%. Riêng phân khúc trung tâm thương mại giảm 4% còn các trung tâm bách hóa duy trì ổn định. Diện tích cho thuê cũng sụt giảm gần 50.000 m2.

Tương tự, đơn vị nghiên cứu Avison Young cho biết tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm giảm nhẹ, lần lượt 3% và 1%. Diễn biến này trái ngược với đà tăng giá thuê. Bởi giá thuê trung bình tăng 3% theo quý tại khu vực trung tâm và 15% ở vùng ven.

Phân khúc khối đế bán lẻ được Avison Young ghi nhận tăng giá thuê cao nhất, lên đến 15%. Một vài dự án điều chỉnh giá thuê theo tháng, như Handio Tower (Nam Từ Liêm) từ 28 lên 35 USD một m2 hay BRG 16 Láng Hạ (Ba Đình) từ 40 lên 45 USD mỗi m2. Điều này thúc đẩy khách thuê di chuyển sang mặt bằng bán lẻ khu vực vùng ven để có không gian rộng, giá rẻ hơn so với diện tích hẹp ở trung tâm.

Savills dự báo nguồn cung mặt bằng bán lẻ duy trì tăng trưởng thời gian tới. Trong 5 năm qua, nguồn cung ở Hà Nội đã tăng trung bình 3% một năm và tiếp tục tăng 4% trong quý II vừa qua. Đến năm 2026, nguồn cung mới sẽ dồi dào hơn với 6 trung tâm mua sắm và 11 khối đế bán lẻ bổ sung mới. Các trung tâm này sẽ chiếm gần 70% nguồn cung, còn khối đế bán lẻ hơn 30%. Nguồn cung mới tập trung ở các quận Tây Hồ, Đống Đa, Hoàng Mai...

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, nhu cầu thuê tại các trung tâm thương mại đang ở mức cao. Trong quý II vừa qua, Hà Nội ghi nhận nhiều giao dịch sôi động tại các trung tâm thương mại (TTTM), đặc biệt là ngành F&B (dịch vụ ẩm thực và đồ uống).

Tuy nhiên, không phải mọi TTTM đều thành công trong việc thu hút và giữ được khách thuê. Ngược lại, các thương hiệu mới cũng gặp không ít thách thức khi tìm kiếm diện tích thuê tại các TTTM. Báo cáo quý II của Savills cho thấy, tại thị trường Hà Nội, công suất thuê giảm 3 điểm % so với quý trước và 2 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 84%. Trong khi đó, khối đế bán lẻ ghi nhận mức tăng 7% theo năm, nhưng công suất các TTTM lại giảm 4 điểm %. Riêng các trung tâm bách hóa vẫn duy trì mức công suất ổn định trong suốt năm qua.

Giá thuê tăng cao không chỉ làm gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp bán lẻ mà còn có thể ảnh hưởng đến quyết định mở rộng và đầu tư của họ. Những doanh nghiệp nhỏ và các thương hiệu mới gia nhập thị trường có thể gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận nếu không thích ứng kịp thời với chi phí thuê tăng cao.

Mặc dù vậy, xu hướng tăng giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới, khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển. Các nhà bán lẻ cần có chiến lược linh hoạt và sáng tạo để thích ứng với tình hình mới, từ đó khai thác tối đa tiềm năng của thị trường đầy cạnh tranh này.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: