Trong thời gian qua, Báo Đời sống và Tiêu dùng đã nhận được rất nhiều phản ánh của bạn đọc liên quan tới các xe chạy sai luồng tuyến và tình hình xe dù, bến cóc tuyến xe Nam Định – Hà Nội...
Mặc dù Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo xử lý nghiêm vấn đề này, nhưng những xe dù, bến cóc chạy sai luồng tuyến vẫn ngang nhiên hoạt động.
Vào tận phố đón, trả khách
Từ ngày 2/1/2017, việc điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô trên địa bàn Thành phố Hà Nội của Sở GTVT Hà Nội chính thức được thông qua. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện chủ trương này thì tình trạng xe dù, bến cóc các xe chạy sai luồng tuyến vẫn... mọc lên như nấm sau mưa tại khu vực Hà Nội.
Sau khi Hà Nội thực hiện việc điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến xe khách cố định, ghi nhận của phóng viên, tình trạng xe chạy xuyên tâm, cụ thể trên đường vành đai 3 vẫn còn câu chuyện nóng đối với những nhà xe chạy sai luồng tuyến vẫn tiếp diễn ngang nhiên tại nhiều cung đường.
Theo ghi nhận của phóng viên, đối với nhà xe Hoàng Lâm – BKS: 18B.020.34. Lộ trình đăng ký: Nam Định – Phú Thọ, cung đường Mê Linh, Vĩnh Yên nhưng trên thực tế, lộ trình của xe này lại là Nam Định – Sơn Tây, đi cung đường QL 32.
Nhà xe Hải An – BKS: 18B.013.40 có lộ trình đăng ký là Giao Thủy – Cao Tốc Ninh Bình – Pháp Vân – Đường trên cao – QL5 – BX Gia Lâm nhưng lộ trình thực tế lại là Giao Thủy - Cao Tốc Ninh Bình – Pháp Vân – Giải Phóng – Ngõ 24 Kim Đồng – Đền Lừ. Đăng ký chiều về 08h00 ngày hôm sau, nhưng thực tế chiều về 18h00 trong ngày.
Nhà xe Mỹ Anh – BKS: 18B.015.57 vẫn đang lưu hành, hoạt động bình thường mặc dù xe này nằm trong danh sách xe ngừng hoạt động tuyến cố định (Theo thông báo số 320/TB-SGTVT ký ngày 01/03/2018 của Sở GTVT/UBND tỉnh Nam Định).
Nhà xe Hà Thì gồm những xe mang BKS: 18B.021.96, 17B.011.79, 17B.014.46 là những xe dù không đăng ký tuyến cố định với Sở GTVT nhưng vẫn hoạt động bình thường. Những xe này gửi bến cóc tại khu vực Cổ Nhuế, vẫn công khai chạy đón khách tại đường Nguyễn Hoàng phía sau bến xe Mỹ Đình hàng ngày.
Không chỉ dừng đỗ bắt khách, những nhà xe trên còn đang chạy sai luồng tuyến khiến đoạn đường thường xuyên bị ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.
Sẽ xử lý dứt điểm nếu cố tình vi phạm
Đại úy Trần Quang Chinh - Đội phó Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an thành phố Hà Nội) cho biết: “Việc những xe khách chạy sai luồng tuyến và tình hình xe dù, bến cóc. Đội sẽ xử lý dứt điểm đối với những nhà xe vi phạm theo sự phản ánh của người dân búc xúc, hiện nay có nhiều bến xe một số nhà xe lợi dụng bây giờ vẫn còn những tuyến chạy từ tỉnh khác qua địa bàn Thị xã Sơn Tây, Phú Thọ, Nam Định…nhiều xe khách vẫn cố tình lợi dụng chạy sai luồng tuyến”.
Liên quan đến vấn đề “xe dù, bến cóc”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét thông tin phán ánh và phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2018.
Trước những nhà xe trên đang ngang nhiên “ tự ý” chạy sai luồng tuyến và tình trạng xe dù, bến cóc đang diễn ra một cách công khai thách thức pháp luật. Điều này khiến dư luận đạt ra nhiều câu hỏi liệu có lực lượng nào “ bảo kê” cho những xe khách này ngang nhiên vi phạm như vậy?
Trước tình trạng các nhà xe hoạt động sai quy định, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xử lý dứt điểm trước sự việc trên.
Báo Đời sống và Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!
Luật GTĐB năm 2008 quy định đối với các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải chấp hành đầy đủ các quy định về thể lệ vận tải.
Theo đó, xe kinh doanh vận tải hành khách phải có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Trên giấy phép kinh doanh vận tải ghi rõ điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe được phép chạy cũng như quy định việc đón, trả khách. Cơ quan chức năng còn cấp cho ô tô vận tải hành khách sổ nhật trình xe chạy. Khi ô tô xuất bến phải đóng dấu ở đầu bến và đến bến cuối cũng phải đóng dấu xác nhận.
Trường hợp ô tô kinh doanh vận tải hành khách lưu thông trên đường không có sổ nhật trình sẽ bị lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường xử lý. Cụ thể, đối với hành vi ô tô chở khách vi phạm “chạy không đúng lịch trình” được quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 23 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt từ 500.000 - 800.000 đồng.
|
Nhóm PV
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng