Từ việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép chồng lấn cho các công ty khai thác khoáng sản trên sông Hồng, đã khiến cho nhiều người dân sống ở ven sông thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội mất ăn, mất ngủ trước nguy cơ bị sụt lún quấn theo hoa màu, gia súc, gia cầm và nhiều tài sản khác...
Những chiếc tàu cuốc ghé sát bờ "ăn cát", bị lực lượng chức năng huyện Phúc Thọ yêu cầu di dời sau khi nhận được phản ánh của người dân
Dù đã được điều chỉnh lại mốc giới khai thác khoáng sản do bị chồng lấn địa bàn, nhưng Công ty cổ phần TMS khoáng sản và vật liệu xây dựng (gọi tắt là Cty TMS - có địa chỉ tại khu phố 2, phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn ngang nhiên đưa máy móc vào khu vực chồng lấn hoạt động khiến cho người dân ở khu bãi nổi sông Hồng thuộc xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội không khỏi hoang mang, lo lắng trước nguy cơ bị sụt lún gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân....
Hệ lụy từ việc chồng lấn
Ông Ngô Xuân Cường (ở xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ) và tập thể công nhân viên khu trang trại, sản xuất nông nghiệp khu vực bãi sông Hồng (xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ) cho biết, thời gian qua, họ thường xuyền chứng kiến cảnh sạt lở do nạn khai thác cát, sỏi trái phép dưới lòng sông xảy ra nên không khỏi lo lắng.
Cũng theo ông Cường, năm 2011, hộ gia đình ông được UBND huyện Phúc Thọ cho phép thực hiện dự án “chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất chưa sử dụng sang đất nông nghiệp làm kinh tế trang trại” tại khu Bãi Nổi sông Hồng thuộc xã Phương Độ với thời hạn sử dụng 20 năm (từ tháng 1-2011 đến hết tháng 1-2031).
Đến tháng 2-2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho Cty TMS được khai thác cát sông Hồng tại điểm mỏ thuộc địa phận các xã (Đại Tự, Hồng Châu, Trung Kiên) huyện Yên Lạc và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc giáp ranh với huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Tuy nhiên, sau khi Cty TMS triển khai hoạt động khai thác cát, nhiều tàu cuốc, máy móc được đưa đến vận hành trên địa phận chồng lấn gây sạt lở, biến dạng và hủy hoại hàng chục héc ta đất nông nghiệp của gia đình ông Cường và người dân ở xã Phương Độ từ bao đời nay.
Nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân, cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ đã vào cuộc xác minh và sau đó các Sở, ngành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội kiểm tra, đối soát hồ sơ bản đồ địa giới hành chính đồng thời cùng đại diện Trung tâm Biên giới - Địa giới Cục đo đạc bản đồ Bộ TN&MT xác định, tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho Cty TMS chồng lấn sang địa phận của huyện Phúc Thọ, buộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải tạm dừng hoạt động của Cty TMS, điều chỉnh lại mốc giới 2 điểm mỏ sang địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký văn bản quyết định điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản số 374 đối với Cty TMS nhưng đâu lại vào đấy
Bà Trần Thị Hồng (xã Đại Tự, huyện Phúc Thọ) cho biết, trước tình trạng trên, người dân canh tác và chăn nuôi ở khu vực bãi nổi này đã gửi đơn lên chính quyền nhờ can thiệp. Nếu cứ để việc này diễn ra, cuộc sống người dân làm kinh tế trên bãi nổi này có nguy cơ mất trắng.
“Đánh trống bỏ dùi”
Ngày 13-11-2017, Công an xã Phương Độ đã có báo cáo về tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Phương Độ gửi CAH Phúc Thọ cho biết, tại khu vực sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn xã, giáp ranh bên kia (xã Đại Tự) có 3 tàu cuốc đang khai thác cát.
Tiến hành xác minh, có 3 tàu cuốc Cty TMS đang tập kết có nhiều biểu hiện khai thác cát trái phép tại khu vực sông Hồng thuộc địa phận xã Phương Độ. Tổ công tác của Công an xã và huyện đã lập biên bản yêu cầu 3 tàu cuốc trên di chuyển ra khỏi địa bàn và không được có hành vi khai thác cát trái phép.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Phương Độ cho biết, về việc Cty TMS tập kết phương tiện tổ chức khai thác cát trên địa phận giáp 2 xã Phương Độ (huyện Phúc Thọ) và xã Đại Tự (huyện Yên Lạc), ngày 21-11-2017, UBND xã đã có văn bản báo cáo UBND huyện, CAH và Phòng TN&MT huyện Phúc Thọ.
“Được biết, liên quan đến việc chồng lấn địa bàn, ngày 11-4-2016 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định số 1312/QĐ - UBND đã ký điều chỉnh giấy phép số 374/GP - UBND ngày 10/2/2015 về việc khai thác cát Sông Hồng cho Cty TMS nhằm đảm bảo phạm vi, ranh giới khai thác nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc (không chồng lấn sang địa giới hành chính TP Hà Nội), ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.
Theo chỉ huy CAH Phúc Thọ, việc Cty TMS được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng không thuộc địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc, chồng lấn sang huyện Phúc Thọ, CAH Phúc Thọ đã tiến hành phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xác minh. Sau đó, hai bên (Vĩnh Phúc và Hà Nội) đã thống nhất được địa giới hành chính, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã điều chỉnh lại giấy phép đã cấp cho Cty TMS.
Theo đó, nội dung điều chỉnh diện tích của khu I thuộc địa phận xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc từ 15ha xuống còn 10,1 ha; Điều chỉnh diện tích của khu IV thuộc địa phận xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc từ 23,5 ha xuống còn 17,3 ha. Tổng diện tích của 4 khu sau khi điều chỉnh là 47,53 ha.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Phương Độ mong rằng sự việc sớm được giải quyết để ổn định đời sống người dân và tránh xảy ra tranh chấp gây mất ANTT
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Công ty cổ phần TMS có trách nhiệm thực hiện khai thác khoảng sản theo đúng nội dung điều chỉnh và các nội dung khác theo Giấy phép số 374/GP - UBND ngày 10-2-2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Lê Anh Chiến - Phó trưởng phòng TN&MT huyện Phúc Thọ cho biết, sau khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc điều chỉnh vị trí cấp phép cho Cty TMS nhưng chỉ thể hiện trên giấy tờ chứ không cắm mốc giới cụ thể. Đến khi Cty TMS hoạt động trở lại vẫn xảy ra tranh chấp. Trong khi đó, thời điểm hai bên thống nhất, mời Trung tâm Biên giới - Địa giới Cục đo đạc bản đồ Bộ TN&MT mất rất nhiều thời gian thì đến nay việc đâu lại vào đó chẳng khác gì “đánh trống bỏ dùi”.
Được biết, đây không phải là trường hợp duy nhất UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép chồng lấn sang địa bàn TP Hà Nội. Ngoài trường hợp này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc còn cấp phép cho Công ty cổ phần khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô thực hiện dự án khai thác mỏ cát đen sông Hồng tại xã Trung Hà (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) chồng lấn sang địa giới hành chính các xã Vân Nam và Vân Hà (huyện Phúc Thọ). Đến nay, việc này hai bên vẫn chưa được giải quyết (!)
Theo ANTD.VN