Theo nguồn tin cho biết, một vài năm trở lại đây Chi nhánh Công ty CP đầu tư sản xuất công nghiệp – Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh đã tự ý cho 7 tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng để sản xuất khi chưa có giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai.
Được biết, Chi nhánh Công ty CP đầu tư sản xuất công nghiệp – Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh được UBND TP Hà Nội giao 62.052 m2 đất tại thôn Trung – xã Việt Hùng (Đông Anh, Hà Nội). Thế nhưng, trong quá trình sử dụng đất và kiểm tra của cơ quan chức năng phát hiện Chi nhánh Công ty không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất.
Trước sự việc trên, năm 2016, UBND Huyện Đông Anh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính đối với công ty với mức phạt bằng số tiền 8.000.000 đồng. Chi nhánh Công ty đã nộp phạt nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngày 11/5/2018 tại thông báo số 716/TB-ĐKT của UBND huyện Đông Anh kết luận về những sai phạm trong quá trình sử dụng đất tại xã Việt Hùng của Chi nhánh Công ty CP đầu tư sản xuất công nghiệp – Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh, UBND huyện chỉ thêm nhiều sai phạm của Công ty này như: Chi nhánh Công ty sử dụng 62.052m2 tại thôn Trung xã Việt Hùng, Chi nhánh Công ty không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất theo quy định.
Công ty đã tự ý chuyển quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo quy định cho 7 tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng để sản xuất khi chưa có giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, vi phạm khoản 1 điều 13 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Không thực hiện việc đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại điều 95 Luật đất đai năm 2013,hành vi phạm khoản 1 điều 13 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Xây dựng nhà xưởng sản xuất không có giấy phép xây dựng theo quy định của Nghi định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, khai thác chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật…
Ngoài ra trước đó, trong quá trình kiểm tra các cơ quan chức năng đã phát hiện Chi nhánh Công ty xả nước thải với lưu lượng nhỏ hơn 5m3/ngày đêm (24 giờ) vượt quy chuẩn từ 1,5 đến 3 lần,cụ thể thông số Coliform vượt 2,2 lần theo QCTĐHN 02/BTMMT/B, hành vi vi phạm nêu trên được quy định tại điểm a, khoản 3, điều 13 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Năm 2017, UBND Huyện đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chi nhánh Công ty mức phạt tiền là 6 triệu đồng.
Trước thực tế trên UBND huyện Đông Anh đã yêu cầu Chi nhánh Công ty CP đầu tư sản xuất công nghiệp – Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng đã ký với các đơn vi, tổ chức, cá nhân do chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được, tháo dỡ các công trình xây dựng không có giấy phép.
Trong trường hợp Công ty không thực hiện, UBND huyện sẽ lập hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường, UBND thành phố Hà Nội thu hồi toàn bộ diện tích đất của Chi nhánh Công ty có vi phạm.
Mặc dù tại thông báo số 716/TB-ĐKT của huyện Đông Anh cũng yêu cầu rõ về thời gian thực hiện các nội dung nêu trên trước ngày 25/5/2018 thế nhưng từ đó đến nay các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Theo người dân sinh tại thônTrung, xã Việt Hùng, sự việc trên đã diễn ra từ lâu, các nhà xưởng không phép hàng ngày sả khói đen kịt ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, sinh hoạt của người dân, người dân đã nhiều lần đê nghị chính quyền địa phương xử lý nhưng không hề có kết quả gì.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên ông Lê Ngọc Dụng Phó phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết: “UBND huyên đang thành lập đoàn thanh tra, đang có kết luận và yêu cầu xã phải xử lý dứt điểm, nếu không thực hiện dỡ các công trình vi phạm sẽ cưỡng chế, cho hết thời gian trong tháng 6 này, nếu không tự tháo dỡ sẽ yêu cầu xã lập phương án cưỡng chế”.
Trước sự việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao các nhà xưởng không phép đã được xây dựng và ngang nhiên đi vào hoạt động từ lâu thế nhưng chính quyền địa phương, nhất là UBND xã Việt Hùng không phát hiện và xử lý dứt điểm?
Chi nhánh Công ty CP đầu tư sản xuất công nghiệp – Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh tự ý xẻ đất cho các đơn vị khác thuê vi phạm các quy định về Luật đất đai để trục lợi gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trách nhiệm thuộc về ai?
Đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, UBND huyện Đông Anh nhanh chóng vào cuộc kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Báo Đời sống và Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Hà Đương - Công Minh
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng