Dantin - Gần 4 tháng phân làn trên 5 tuyến đường của thủ đô, kèm theo đó đó là những tấm biển chỉ dẫn khá rõ, tuy nhiên, người tham gia giao thông vẫn theo kiểu mạnh ai ấy đi. Chính vì thế, tình trạng va quệt, thậm chí là tai nạn xảy ra còn khá phổ biến.
Dantin - Gần 4 tháng phân làn trên 5 tuyến đường của thủ đô, kèm theo đó đó là những tấm biển chỉ dẫn khá rõ, tuy nhiên, người tham gia giao thông vẫn theo kiểu mạnh ai ấy đi. Chính vì thế, tình trạng va quệt, thậm chí là tai nạn xảy ra còn khá phổ biến. Đó là thực tế còn tồn tại trên 5 tuyến phố thực hiện phân làn giao thông.
Phải cần hàng trăm CSGT xử lý …
Bắt đầu từ ngày 20/9, TP. Hà Nội đã tổ chức phân làn đường trên 5 tuyến phố để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay. Trước đó, TP Hà Nội đã thực hiện tổ chức phân làn ba lần vào các năm 2003, 2006, 2009. Tuy vậy, giao thông vẫn “hỗn chiến” theo kiểu mệnh ai người ấy đi.
Mỗi khi tan tầm đường Hà Nội đông như chêm
Qua khảo sát của PV dantin.vn, trên các tuyến phố phân làn Giải Phóng, Bà Triệu, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Phố Huế - Hàng Bài… tình trạng ùn tắc cục bộ vẫn xảy ra, thậm chí vào giờ cao điểm, nhiều cán bộ Thanh tra giao thông phải bỏ vị trí vì sợ bị người tham gia giao thông đâm vào.
Trong suốt khoảng thời gian thực hiện công tác phân làn, trật tự giao thông dường như không mấy chuyển biến. Người điều khiển các phương tiện vi phạm không đếm xuể. Bên cạnh đó là các cột biển báo, dải phân cách nhiều nơi đều trong tình trạng bị đâm vỡ, hư hỏng nặng, đặc biệt là trên đường Giải Phóng.
Anh Vũ Thành Nam ở đường Giải Phóng cho biết: “Sau hai tháng phân làn giao thông, tôi chưa thấy có sự chuyển biến tích cực trong việc giảm thiểu ùn tắc. Tôi chỉ thấy người đi đường đâm vào dải phân là nhiều vô kể, đặc biệt là xe máy. Có thể ôtô đi đúng làn nhiều hơn. Tuy nhiên vào khung giờ cao điểm thì …bát nháo như nhau. Tôi nghĩ TP. Hà Nội có huy động hàng trăm CSGT trên một tuyến đường để xử phạt các phương tiện cũng khó mà phạt hết”.
Mấy ngày qua, theo ghi nhận của chúng tôi, lực lượng Thanh tra giao thông đứng phân làn gần như vắng bóng, không rầm rộ như những ngày đầu thực hiện chủ trương phân làn.
... ý thức người tham gia giao thông
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phân làn giao thông của TP. Hà Nội lần này cũng như ba lần trước không hiệu quả chính là thói quen của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Bác Trần Anh Tuấn ở phố Bà Triệu nói: “Người tham gia giao thông hiện nay, đặc biệt là ở thủ đô đi theo kiểu “bon chen được đâu thì cứ…bon chen”, chẳng ai chịu nhường ai. Chính điều này dẫn tới tình trạng giao thông hỗn loạn, ùn tắc trên đường phố vẫn diễn ra thường xuyên”.
Đã phân làn nhưng giao thông vẫn bất nháo trên đường Đại Cồ Việt
Chị Mai Anh (phố Huế - Hàng Bài) tâm sự: “Tôi chẳng hiểu các cơ quan tổ chức phân làn kiểu gì nữa, xe máy thì nhiều, ô tô thì ít. Nhưng đường dành riêng cho xe máy thì bị lấn chiếm bởi quán hàng, nơi để xe, chưa nói ô tô lấn làn đường xe máy. Vì vậy việc phân làn trên tuyến phố khiến người đi xe máy rơi vào tình trạng bị “cưỡng bức” giao thông”.
Tai nạn từ việc phân làn giao thông nhiều như cơm bữa, tuy nhiên lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội lại cho rằng, tất cả các biển báo, dải phân cách, vạch sơn đều lắp phản quang. Do người tham gia giao thông thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu nên mới xảy ra va quệt, tai nạn.
Theo ý kiến của người dân cũng như các chuyên gia giao thông cho rằng, việc lắp đặt cột biển, dải phân cách như vậy là bất hợp lý. Tại các ngã ba, ngã tư, khoảng cách không đủ để người tham gia giao thông quan sát hệ thống chỉ dẫn, nhất là vào ban đêm để nhập làn. Lượng xe máy quá đông như bị ép thắt nút vào làn, vì vậy mà cột biển, dải phân cách thành "bẫy" đối với người đi đường.
Còn theo Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện tại thành phố có 8.489 km đường giao thông, đường trong đô thị ngắn và hẹp, mặt đường dưới 11m chiếm 70%. Như vậy, xét theo tiêu chí mà Sở đưa ra để thực hiện phân làn thì có 70% tuyến đường có mặt cắt ngang mỗi chiều không đủ tối thiểu (trên 10m) để thực hiện phân làn.
Ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, chi phí dành cho việc phân làn 5 tuyến phố khoảng 7,14 tỷ đồng. Dự kiến từ nay tới cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện thêm 8 tuyến phố nữa với kinh phí khoảng 16,7 tỷ đồng.
Có Thanh tra giao thông hướng dẫn, người vi phạm vẫn nhiều.
Còn đánh giá về 5 tuyến phố đã được phân làn thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Tân cho rằng: “Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản việc phân làn đã đem lại hiệu quả, giảm sự xung đột giữa các đoàn xe, từ đấy giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Tuy tình trạng vi phạm, đi sai làn đường vẫn còn.
Theo ông Tân, người tham gia giao thông đã dần quen với việc đi đúng làn đường và giao thông cũng ổn định hơn. Vì vậy, tại những vị trí đặt biển chỉ dẫn và dải phân cách phân làn, Sở GTVT đang cho lắp đặt dải phân cách cố định, thay cho những hộp đảo chiều được đặt trước đây…”
"Trước việc người đi đường thường đâm vào cột biển báo, chúng tôi đã đặt một hộp hình chữ nhật bằng nhựa, có sơn phản quang, để giảm thiểu va chạm cũng như bảo vệ cột biển báo. Đến nay những hộp đó được thay bằng những hộp có hình tam giác vuông, với cạnh ngoài được vót chéo, nếu có xảy ra va chạm sẽ hạn chế gây thương tích với người tham gia giao thông”. – Ông Tân cho biết.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tính toán kĩ, việc phân làn giao thông trên các tuyến đường, nếu không sẽ đi vào vết xe đổ như mấy lần trước. lúc đó tiền nhà nước cũng như tiền của nhân dân sẽ đổ xuống sông xuống biển, nạn ách tắt vẫn xảy ra, tai nạn ngày một nhiều.
Tiến Dũng