Dự án Tây Hồ Riverview được cấp phép xây dựng 21 tầng, nhưng chủ đầu tư- Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng đã xây dựng 23 tầng để rồi lại được Sở Xây dựng hợp thức hóa bằng cách cấp thêm phụ lục GPXD.
Cấp phép 21 tầng nhưng thực tế xây dựng 23 tầng
Dự án công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và căn hộ để bán tại tổ 2, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, do Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng làm chủ đầu tư được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư số 735/QĐ-UBND ngày 16/2/2016. Theo đó dự án có quy mô 21 tầng bao gồm 3 tầng để xe, 2 tầng văn phòng và 224 căn hộ từ tầng 6 – tầng 21.
Ngày 13/9/2016, dự án được Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 72/GPXD.
|
Đây là một dự án được ấp ủ từ khá lâu, những tưởng sẽ là tâm huyết, là “đứa con cưng” của Công ty Cổ phần đầu tư Phú Thượng thế nhưng điều ít ai ngờ rằng dự án Công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và căn hộ để bán lại gặp không ít những trắc trở thậm chí đã phải thay tên đổi họ. Theo tìm hiểu được biết, tên thương mại ban đầu của dự án là DCS Tower và sau đó được đổi tên thành Tây Hồ Riverview như hiện nay. Không những thế, chủ đầu tư dự án còn xây dựng sai giấy phép khi nâng tổng số tầng lên 23 tầng để tăng diện tích sàn.
Cụ thể, sai phạm như sau: Chủ đầu tư dự án đã tự ý xây dựng tầng 1 với chiều cao 4,2 m làm giảm 0,25 m so với giấy phép được cấp; tầng 2 có chiều cao 4,8 m tăng 0.5m so với giấy phép; tầng 3 với chiều cao 6,15 m giảm 0,25 m so với giấy phép. Qua đó nâng tổng số tầng từ 21 tầng lên 23 tầng và diện tích sàn tăng từ 31.408 m2 lên 34.238 m2 (tăng 2.830 m2).
Sao cứ phải chạy theo sai phạm của Dự án Tây Hồ Riverview?
Thông thường đối với những dự án sai phạm theo kiểu xây dựng sai phép sẽ được phát hiện bởi chính quyền cơ sở (cấp xã/phường, huyện/quận,) rồi sau đó sẽ có biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ và xây dựng theo đúng giấy phép xây dựng được cơ quan chức năng chấp thuận. Thế nhưng đối với dự án Tây Hồ Riverview không hiểu tại sao sai phạm này lại không được phát hiện kịp thời. Việc xây dựng sai phép của Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng chỉ được khi đã rơi vào tình thế “sự đã rồi” và quận Tây Hồ lại chỉ biết ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho có lệ và cũng như để hợp thức hóa cho sai phạm này.
|
Xác nhận với Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, cán bộ thanh tra xây dựng phường Phú Thượng cho biết: Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng cũng đã bị UBND quận Tây Hồ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi xây dựng sai phép công trình dự án và cho đến nay đã được Sở Xây dựng cấp phụ lục giấy phép xây dựng.
Theo tìm hiểu được biết, ngày 5/12/2019 UBND quận Tây Hồ đã có văn bản xử lý vi phạm đối với Công ty Cổ phần đầu tư Phú Thượng khi xây dựng sai phép theo văn bản số 1678/ UBND-TTXDĐT.
Căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính này của UBND quận Tây Hồ cùng một vài căn cứ khác, đến ngày 28/02/2020 Sở Xây dựng Hà Nội cấp thêm cho Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng phụ lục Giấy phép xây dựng số 1609/SXD-CP.
Theo phụ lục Giấy phép xây dựng, dự án được điều chỉnh theo đúng sai phạm mà Công ty Cổ phần đầu tư Phú Thượng đã xây dựng sai phạm trước đó. Tức là nâng số tầng của dự án lên 23 tầng không kể tum thang với tổng diện tích sàn là 34.238m2. Lí do điều chỉnh là do thay đổi biện pháp thi công sàn thép đỗ xe thông minh tại tầng 2 và tầng 3 thành sàn BTCT dự ứng lực (bổ sung tầng lửng ký hiệu 2*, 3* tại tầng 2 và 3).
Thực tế cho thấy việc Sở Xây dựng cấp thêm cho Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng phụ lục xây dựng này cũng không khác gì câu chuyện chạy theo sai phạm của dự án để hợp thức hóa. Và như thế, sẽ tạo ra nhiều hệ lụy là tiền lệ xấu mà rất có thể các nhà đầu tư các dự án khác bắt chước làm theo. Bởi lợi nhuận của việc xây dựng thêm tầng, gia tăng thêm diện tích sàn tại các dự án chung cư nhà cao tầng là rất lớn trong khi số tiền xử phạt chẳng đáng là bao.
Dự án Tây Hồ Riverview được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ năm 2015, theo đó quy mô dự án vẫn chỉ là 21 tầng. Tuy nhiên với thực tế đã được điều chỉnh lên 23 tầng như hiện nay liệu Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng có cần phải làm lại ĐTM? Vấn đề này sẽ được chúng tôi đưa tin ở số ra tiếp theo. Cùng với đó là những phân tích của luật sư liên quan đến nguồn gốc đất của dự án và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở không qua đấu giá có vi phạm pháp luật.
Văn Bình - Đức Huấn
Theo Môi trường & Đô thị