Sự kiện hot
3 năm trước

Hà Nội: Thanh tra 23 dự án về chấp hành bố trí quỹ đất nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội vừa gửi Thanh tra Bộ Xây dựng danh sách 23 dự án nhà ở thương mại, nhà ở, khu đô thị thuộc diện phải dành quỹ đất nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, có 7 dự án nhà ở bao gồm: Khu tái định cư Đông Hội, Đông Anh; nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì; khu nhà ở, văn phòng, nhà trẻ và trường tiểu học 622 Minh Khai, khu nhà ở Tây Mỗ; nhóm nhà ở Đông Nam đường Lê Văn Lương kéo dài, khu nhà ở Minh Đức (Mê Linh), khu nhà ở xã Uy Nỗ, Đông Anh.

Bên cạnh đó, trong danh sách thanh tra còn có 16 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị như khu đô thị Nam đường vành đai 3 (The Manor Central Park); khu đô thị Thịnh Liệt; khu đô thị HUD Sơn Tây, khu đô thị mới CEO Mê Linh, Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và; khu đô thị mới Đại Kim, khu đô thị làng hoa Tiền Phong, khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh, khu đô thị Gia Lâm…

Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị, đang tiếp tục triển khai 278 dự án trong đó hoàn thành xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô khoảng 54 nghìn căn hộ và đang tiếp tục triển khai khoảng 100 dự án nhà ở cho công nhân với khoảng 134 nghìn căn hộ. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Liên quan đến quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, pháp luật hiện nay quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện quy định này có nhiều bất cập bởi hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn và các địa phương cũng cho phép dự án dưới 10ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Tuy nhiên số tiền này lại không được các địa phương sử dụng để phát triển nhà ở xã hội.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 để thay thế cho Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận tại Nghị định 49 là tránh được tình trạng chủ đầu tư lách luật để "né" việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội.

Hà Lan
Theo KTDU

Từ khóa: