Sự kiện hot
2 năm trước

Thanh tra Chính phủ lập tổ công tác kiểm tra việc xử lý sau thanh tra 38 dự án 'đất vàng' Hà Nội

Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ (TTCP) bắt đầu kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra số 1468 ngày 4/9/2018, trong đó có kết luận với 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội.

TTCP kiểm tra kết quả xử lý sau thanh tra

Mới đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã chủ trì buổi công bố quyết định kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1468/KL- TTCP ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có nội dung kết luận đối với 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội.

Tổ kiểm tra gồm 4 thành viên do ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra làm Tổ trưởng. Thời gian kiểm tra là 10 ngày làm việc thực tế (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định), kể từ ngày công bố quyết định.

Tổ kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1468/KL- TTCP ngày 4/9/2018 của TTCP về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016) và ý kiến chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của Thủ tướng Chính phủ.

Một số nội dung trong KLTT.

Liên quan đến việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1468/KL- TTCP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra TP Hà Nội làm đầu mối chủ trì triển khai thực hiện các nội dung tại kết luận của TTCP. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện kết luận thanh tra, bố trí thời gian làm việc với Tổ Kiểm tra khi có yêu cầu…

Cụ thể như các nội dung về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ đối với từng dự án đã được TTCP chỉ ra qua thanh tra, UBND TP Hà nội đã giao các sở, ngành, quận huyện theo chức năng và nhiệm vụ phải tổ chức thực hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc có đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND TP Hà Nội qua Thanh tra thành phố.

Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng hướng dẫn chủ đầu tư đã được xác định theo danh mục, các chủ đầu tư sử dụng vốn vay ngân sách, vốn vay ODA và đơn vị liên quan phải xử lý khắc phục theo quy định của pháp luật hoặc đề xuất UBND TP biện pháp xử lý khắc phục đối với từng dự án theo kiến nghị của TTCP…

Loạt sai phạm tại các dự án “đất vàng”

Trước đó, TTCP đã công bố kết luận về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội trong giai đoạn 2003 - 2016.

Theo kết luận thanh tra, kiểm tra 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất có vị trí đắc địa, lợi thế về kinh doanh, TTCP cho biết một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn.

Dự án GoldSilk Complex tại 403 Cầu Am của Hano - Vid.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thoả thuận theo hình thức hỗ trợ), Nhà nước chỉ thu được sô tiền thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên (Tràng An Complex của GP Invest), Dự án tại 365A Minh Khai; Dự án 167 Thụy Khuê (Five Star West Lake - Tập đoàn GFS); Dự án 69 Vũ Trọng Phụng (Rivera Park Hà Nội của Công ty Long Giang Land); Dự án 47 Nguyễn Tuân (Goldseason 47 Nguyễn Tuân của CTCP Dệt mùa đông - VID Group (Bất động sản Mỹ); Dự án 108 Nguyễn Trãi (Dự án King Place của Anphanam); Dự án 44 Yên Phụ (Hanoi Aqua Central của Công ty Cổ Phần Tháp Nước Hà Nội); Dự án tại 430 Cầu Am (GoldSilk Complex - Hano - Vid)...

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sở hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa.

Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần; có 20/38 dự án vi phạm quy hoạch xây dựng, vi phạm một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng; 5 dự án chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được duyệt…

Ngoài ra, việc chuyển nhượng vốn góp của một số nhà đầu tư tại một số dự án sau khi hợp tác đầu tư, có phát sinh về thu nhập chuyển nhượng vốn góp nhưng không kê khai hoặc kê khai thiếu, cơ quan thuế chưa tiến hành thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định gây thất thu ngân sách nhà nước. Một số Công ty có số tiền phải nộp, gồm: CTCP Dệt mùa đông - Dự án Goldseason 47 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) gần 23 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản gần 6 tỷ đồng…

Cũng theo TTCP, kiểm tra 38 dự án thì có tới 8 dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chậm nộp với số tiền lên tới 1.900 tỷ đồng. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là gần 4.000 tỷ đồng.

Hạ Lam

Theo KTĐU

Từ khóa: