Sáng 1-10, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đã có lý giải chính thức về đợt ô nhiễm không khí kéo dài ở Hà Nội và TP HCM.
Cụ thể, theo ông Tài, tại Hà Nội, từ ngày 12 đến 29-9, chất lượng không khí (AQI) kém, liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 (loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua Ảnh: HUY THANH
Còn tại TP HCM, trong tháng 9, chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu. Từ ngày 1 đến 23-9, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí gia tăng nhưng phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam.
Về nguyên nhân, ông Tài cho biết chủ yếu do thời tiết. Đặc biệt ở Hà Nội, thời điểm giao mùa, lượng mưa thấp cộng với hoạt động đốt rơm rạ dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí cao đột biến. Những ngày tiếp theo, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm.
Cùng ngày, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội, khuyến cáo trên địa bàn TP và một số khu vực miền Bắc tình trạng ô nhiễm bụi mịn tăng cao, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ em. Do vậy, người dân nên hạn chế đi ra ngoài, nếu có việc phải đi cần đeo khẩu trang, mắt kính; học sinh không nên tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài trời...
V.Duẩn - H.Thanh
Theo Nguoilaodong