Hơn 2 năm kể từ khi 7 hộ gia đình quanh thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng lấn ao đìa tưới tiêu đổ đất đá hộc san mặt bằng để sử dụng trái mục đích, vi phạm diện tích đất công của thôn.
Hơn 2 năm kể từ khi 7 hộ gia đình quanh thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng lấn ao đìa tưới tiêu đổ đất đá hộc san mặt bằng để sử dụng trái mục đích, vi phạm diện tích đất công của thôn. Tuy nhiên, sai phạm này không những không bị xử lý mà còn được xã làm văn bản "xin" huyện cho tồn tại.
Nông dân thôn Bãi Thụy bức xúc yêu cầu xã xử lý, trả lại nguyên trạng diện tích, cảnh quan ao đìa. Ảnh: Hữu Oanh
Xã "bật đèn xanh"
Ông Nguyễn Văn Du, nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tháp cho biết: Tháng 3/2011, khi thấy hiện tượng máy xúc về xã nạo vét ở khu vực ao đìa Bãi Thụy, tôi mừng rỡ, ngỡ là có nguồn đầu tư từ nông thôn mới huyện cho nạo vét, kè lại ao đìa phục vụ tưới tiêu tốt hơn cho nông dân. Nào ngờ, khi hỏi từ các cụ cao niên cho đến Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng thôn Bãi Thụy... thì không ai biết chủ trương làm gì.
Theo UBND xã Đồng Tháp, từ năm 2006, ao đìa tại Bãi Thụy này đã được quy hoạch làm ao môi trường.
Đến ngày 20/3/2011 (thời điểm mà người dân phản ánh - PV), hộ ông Nguyễn Văn Sinh có đơn xin phép cải tạo ao đìa theo tinh thần "xã hội hóa".
Ngày 25/3/2011, UBND xã nhận được biên bản họp của 5 hộ gia đình "xin tự nguyện" đầu tư kinh phí xây dựng kè ao môi trường và đề nghị UBND xã xác minh ranh giới để xây dựng.
Từ 28/4 - 25/5/2011, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sự và ông Nguyễn Văn Nhiệm có đơn đề nghị xác nhận ranh giới xây dựng.
Từ chủ trương xã hội hóa xây dựng nông thôn mới, khi các hộ gia đình tự nguyện bỏ tiền để kè lại ao môi trường, xã nhanh chóng đồng ý và cử cán bộ địa chính xuống thực địa cắm mốc ranh giới cho các hộ. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian rất ngắn, hơn 1.600m2 ao đìa đã bị các hộ "xin tự nguyện" bỏ tiền kè lấn chiếm tới hơn một nửa diện tích.
Theo ông Đỗ Xuân Bá, Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp, qua kết quả kiểm tra của xã, 7 hộ gia đình lấn chiếm lần lượt là hộ ông Nguyễn Văn Nhiệm, Nguyễn Văn Kiểm, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Sự, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Văn Sang và bà Nguyễn Thị Lan. Hộ lấn chiếm ít nhất là 57m2 (bà Lan), nhiều nhất là 173m2 (ông Nhiệm). Tổng diện tích bị lấn chiếm là 857m2 và chỉ còn lại diện tích 834m2. "Trong quá trình các hộ lấn chiếm, cán bộ địa chính, cán bộ xây dựng xã đã không kịp thời kiểm tra. Việc này cũng có trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã", ông Bá thừa nhận.
Hơn 1/2 diện tích ao đìa đã bị các hộ lấn chiếm. Ảnh: Hữu Oanh
"Xin" huyện cho sai phạm tồn tại
Thừa nhận 7 hộ lấn chiếm đất công, tự ý san lấp mặt bằng, song, Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp lại cho rằng khó xử lý vì qua hiện trạng kiểm tra các hộ đã kè đá hộc rất chắc chắn. Thậm chí, trong văn bản báo cáo HĐND về vụ việc này, UBND xã còn đề xuất "hướng giải quyết là số diện tích các hộ thanh lan (lấn chiếm) không ảnh hưởng đến quy hoạch chung, do vậy UBND xã lập hồ sơ báo cáo Đảng ủy, Thường trực HĐND, Phòng Tài nguyên - Môi trường đề nghị cho phép UBND xã hoàn thiện hồ sơ thu tiền sử dụng đất thanh lan lấn chiếm dự kiến công khai mức thu tiền sử dụng đất, số tiền thu được đầu tư xây dựng kè rãnh ao môi trường cơ sở".
Rõ ràng, việc chính quyền địa phương không những không có biện pháp xử lý, khắc phục sai phạm mà còn tiếp tục làm văn bản "xin" cơ chế để sai phạm tồn tại là khó có thể chấp nhận được.
Bên cạnh đó, việc lấn chiếm ao đìa còn triệt tiêu nguồn nước tưới tiêu của các hộ nông dân tại thôn Bãi Thụy. "Cả bãi trồng hoa màu của thôn Bãi Thụy với diện tích hơn 10 mẫu, 40 - 50 hộ nông dân trông chờ vào nguồn nước tưới tiêu duy nhất tại ao đìa này. Giờ đây, các hộ lấn chiếm còn không cho dân vào lấy nước tưới, chi phí bỏ ra bơm nước đội lên khiến rất nhiều người dân bức xúc", ông Nguyễn Ngọc Choàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ quốc thôn Bãi Thụy nói.
Ông Nguyễn Xuân Đào, Chi hội Trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Bãi Thụy cho rằng, cần thiết phải xử lý các hộ lấn chiếm vi phạm diện tích ao đìa thôn Bãi Thụy để trả lại nguyên trạng diện tích và cảnh quan ao đìa đã tồn tại trong lịch sử mấy chục năm nay. Đây không những là nguồn tưới tiêu duy nhất của nông dân trong thôn mà đây còn lá "lá phổi" sinh thái, hồ môi trường rất quan trọng của thôn.
Trong khi các địa phương khác tích cực cải tạo nạo vét, kè ao hồ để đáp ứng được tiêu chí về môi trường thì tại thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, một ao đìa đã tồn tại hàng chục năm nay, là nguồn nước tưới tiêu duy nhất của công lại bị xã "tạo điều kiện" để các hộ lấn chiếm, sử dụng vào mục đích riêng. Điều này vừa phá vỡ quy hoạch ao môi trường nông thôn mới ở địa phương, vừa gây bức xúc trong dân.
Hữu Oanh
theo Thanh tra