Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Hà Tĩnh: Khám phá đặc sản hến sông La

Hàng trăm năm hình thành, phát triển, làng nghề làm hến trên dòng sông La ở xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) nổi tiếng xa gần. Hến trở thành món ăn đặc sản thu hút thực khách thập phương khi có dịp đặt chân đến mảnh đất Đức Thọ.

Thôn Bến Hến nằm ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ đã tồn tại hơn 300 năm bên bờ sông La thơ mộng. Dòng sông thường được các nhà thơ, nhạc sĩ đưa vào thơ ca, bài hát. Người dân thôn Bến Hến quanh năm gắn liền với con nước, thường được gọi với cái tên thân thương làng đãi hến.

Một góc của làng hến.

Nghề đãi hến không chỉ mang lại cho người dân nguồn thu nhập mà giờ trở thành một làng nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa của địa phương.

Dọc bờ sông La, mỗi gia đình dựng lên một cái lều nhỏ, trong đó chỉ có bếp và củi dùng để luộc hến. Cứ tờ mờ sáng hoặc chớm chiều, cả dãy lều lại nghi ngút khói, ấy là lúc bà con bắt đầu công đoạn luộc hến, tiếng bước chân bì bõm chao hến đan xen với những câu tán gẫu, tạo nên không khí nhộn nhịp, vui tươi...

Từ sáng sớm, những người đàn ông khỏe mạnh sẽ có nhiệm vụ đánh thuyền ra sông để cào hến. Dụng cụ là những chiếc cào được đan bằng tre với một tay cầm dài từ 3-5m, cào giữ hến lại phía trong, sau này phát triển hơn những chiếc cào được thay thế bằng sắt.

Trước đây, khi hến đang còn nhiều những người đàn ông chia nhau mỗi người một khúc của sông La là có thể có hến mang về.

Càng ngày hến càng ít người dân lại phải đánh thuyền máy ngược lên hạ nguồn sông ngàn Sâu ở xã Đức Liên, huyện Vũ Quang để cào. Còn các công đoạn còn lại nấu, đãi, mang đi bán dành cho phụ nữ.

Những nồi hến đang được nấu để tách ruột.

Hến mang về phải đưa đi ngâm để cho nhả bớt bùn, nhặt sạch đá cát rồi lúc đó mới mang đi nấu.

Nấu hến tuy không khó nhưng lửa phải đủ lớn, phải canh lửa thật chuẩn, nếu không đủ thì hến sẽ không nhả ruột hết, còn nấu quá lửa ruột trong sẽ bị nát lúc đãi sẽ rất khó.

Bà Luyến, làm nghề đãi hến đến nay đã hơn 30 năm cho biết, từ khi lấy chồng về thôn Bến Hến này là chị gắn luôn với nghề đãi hến. Chồng đi cào hến, còn các công đoạn còn lại chị và con gái thay nhau cùng làm. Hầu như sản phẩm làm ra đều đã được khách đặt trước hết. Làm bao nhiêu bán bấy nhiêu nên không bao giờ có dư.

Bà Luyến chia sẻ: “10kg hến vỏ mới làm được 1kg hến ruột bán cho khách. Trong khi đó 1kg giao động từ 150-170 nghìn đồng/1kg, còn con dắt nhỏ hơn hến thì giá rẻ hơn từ 90-100 nghìn đồng/1kg. Mỗi ngày hai mẹ con chị có khi nấu lên 2-3 tạ hến”.

Bà Luyến đang nhanh tay đảo nồi hến đang bốc khói.

Hiện tại, trong làng còn hơn 80 hộ gắn bó với nghề. Nghề làm hến, đãi hến được duy trì quanh năm, nhưng chính vụ là từ tháng 3 đến tháng 6. Vào những ngày hè, nóng bức, món hến được người dân ưa chuộng.

Chị Thủy, một hộ dân làm hến khác tâm sự: “Nói đến hến thì nhiều nơi có, nhưng hến ở sông La vừa ngon, ngọt, hến lại sạch không bị tanh hôi mùi bùn, tất cả các công đoạn đều được làm bằng thủ công nên rất đảm bảo, chính điều này thu hút được người thưởng thức.”

“Hồi xưa, hến chỉ dùng cứu cánh cho những gia đình đói khổ không có cơm ăn, giờ hến đã trở thành món đặc sản vào nhà hàng, các khách sạn lớn,…” chị Thủy cười nói.

Không chỉ bán ruột hến, mà nước hến cũng được dùng để nấu canh rất ngon. Thậm chí cả vỏ hến cũng được thu mua để làm vôi, thức ăn chăn nuôi…

Hến ở đây không chỉ được bán ở những chợ ở Đức Thọ, mà được gửi đi chợ Hà Tĩnh, Nghệ An, thậm chí ra Hà Nội.

Diễm Phước/KTĐU

Từ khóa: