Sự kiện hot
2 năm trước

Hà Tĩnh phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh trở thành đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Thành phố Hà Tĩnh hướng đến đô thị văn minh, hiện đại

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng đô thị thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng thành phố thông minh, hiện đại; phấn đấu đến năm 2030 là một đô thị tỉnh lỵ có kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, có sức lan tỏa mạnh mẽ tới các khu vực đô thị và nông thôn trong toàn tỉnh, trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ.

Cụ thể hóa định hướng phát triển đô thị Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; định hướng nghiên cứu Đề án mở rộng địa giới hành chính và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận; xây dựng hạ tầng đồng bộ, từng bước nâng cao chất lượng đô thị Thành phố đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Nghiên cứu mở rộng không gian thành phố Hà Tĩnh đáp ứng tiêu chí đô thị theo quy định, định hướng mở rộng; hướng Tây mở rộng đô thị vượt qua đường tránh quốc lộ 1A, kết nối với khu công nghiệp và đầu mối giao thông cao tốc quốc gia (đường bộ, đường sắt); Phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ; hướng Nam mở rộng đô thị kết nối với các khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Rào Cái, Đại học Hà Tĩnh, khu đào tạo - nghiên cứu và sản xuất; hướng Đông mở rộng đô thị vượt sông Rào Cái về phía Biển Đông để phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao kết nối với chuỗi đô thị ven biển của Tỉnh.

Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, xử lý các bất cập về giao thông; nâng cấp hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố; giải quyết các tồn đọng, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh công tác GPMB các công trình trên địa bàn; phối hợp với ngành điện lực, các doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng điện, viễn thông... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, lấy mục tiêu trung tâm là con người, tăng cao mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công; triển khai thí điểm xây dựng đô thị thông minh thành phố Hà Tĩnh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực xây dựng thành phố Hà Tĩnh theo Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 06/11/2021 của HĐND tỉnh; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; khai thác hiệu quả các nguồn lực từ quỹ đất.

UBND tỉnh yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án thành Kế hoạch, Chương trình hành động; rà soát các hạng mục, công trình đầu tư trong các chương trình, đề án, kế hoạch sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.

Phối hợp với Sở Xây dựng hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận; phối hợp Sở Nội vụ và cơ quan liên quan lập hồ sơ đề án điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. - Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực xây dựng thành phố Hà Tĩnh theo Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 06/11/2021 của HĐND tỉnh.

Đồng thời UBND tỉnh cũng chỉ đạo tới các sở, ban, ngành thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công, hỗ trợ, hướng dẫn thành phố Hà Tĩnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: