Sự kiện hot
5 năm trước

Hai dự án trên 1.100 tỷ làm trước xin duyệt sau ở Thái Bình: Có dấu hiệu hình sự?

Thái Bình triển khai các dự án, thậm chí ứng vốn lên đến 299 tỷ đồng khi chưa đầy đủ thủ tục về đất đai theo quy định, chưa được Thủ tướng cho phép chuyển đổi 149,14 ha rừng phòng hộ... là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu hình sự.

Ngày 31/12, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình sẽ phải báo cáo thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng như kết quả xử lý, khắc phục những vi phạm đã trong quá trình thực hiện các dự án, xử lý triệt để các vi phạm về đất đai đã được TTCP chỉ rõ trong kết luận thanh tra 1137/KL-TTCP.

Theo kết luận thanh tra 1137 về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (thời kỳ từ năm 2011-2016) và đất đai, môi trường (thời kỳ từ năm 2006-2016) đã chỉ rõ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng của tỉnh còn để xảy ra nhiều tồn tại, sai phạm.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra đã chỉ ra sai phạm tại 2 dự án điển hình cho sai phạm trong quản lý đầu tư tại Thái Bình. Đó là dự án Nâng bãi ổn định Đê biển số 8 từ Km26+700 đến Km31+700 huyện Thái Thụy, kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp và dịch vụ; Dự án Nắn tuyến Đê biển số 8 từ Km26+700 đến Km31+700 kết hợp giao thông huyện Thái Thụy. Hai dự án trên có mức đầu tư là 1.139,8 tỷ đồng (725,7 tỷ đồng + 414,1 tỷ đồng), trên diện tích đất 320,1 ha, trong đó có 149,14 ha rừng phòng hộ.

Theo đó, kết luận thanh tra nêu rõ, UBND tỉnh Thái Bình cho triển khai thực hiện các dự án, thậm chí ứng vốn lên đến 299 tỷ đồng cho các nhà thầu thi công, trong khi đó, 2 dự án này chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai theo quy định.

Hai du an tren 1.100 ty lam truoc xin duyet sau o Thai Binh: Co dau hieu hinh su?
 Dự án nâng bãi ổn định đoạn tuyến đê biển số 8 từ Km26+700 đến Km31+700 huyện Thái Thụy. Ảnh: Thaibinhtv 

Cụ thể chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 149,14 ha rừng phòng hộ; chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án; chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với đất nuôi trồng thủy sản của các hộ dân với diện tích hơn 170 ha.

Dù đối với các dự án này, UBND tỉnh Thái Bình đã chủ động khắc phục trước thời điểm thanh tra, tạm dừng thực hiện các dự án để hoàn thiện thủ tục về môi trường, đất đai theo quy định, đồng thời cho thu hồi số tiền 299 tỷ đồng đã ứng cho nhà thầu thi công về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm thuộc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND tỉnh Thái Bình.

Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo kết luận Thanh tra việc UBND tỉnh Thái Bình cho triển khai thực hiện các dự án khi thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định luật đất đai: chưa được Thủ tướng cho phép chuyển đổi 149,14 ha rừng phòng hộ; chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án; chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với đất nuôi trồng thủy, ứng vốn lên đến 299 tỷ đồng cho các nhà thầu thi công.

Do vậy, đây là những sai phạm nghiêm trọng các quy định pháp về Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đầu tư công năm 2014 nhất là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 do có diện tích đất rừng phòng hộ phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 58 và khoản 1 Điều 59 Luật đất đai năm 2013, dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ vào mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được Quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ 20ha đất rừng phòng hộ trở lên.

Theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Điều 29, khoản 2 Điều 28 Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/03/2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng thì thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng nêu rõ:

Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng toàn bộ hoặc một phần đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ xác lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng toàn bộ hoặc một phần khu rừng do UBND cấp tỉnh xác lập.

Như vậy, để xác định được thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng diện tích đất rừng trong phạm vi 2 dự án mà UBND tỉnh Thái Bình thực hiện thì cần phải xác định diện tích đất rừng này do Thủ tướng Chính phủ hay Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình xác lập theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp còn phải tuân theo các quy định khác tại Điều 29 Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/03/2006 như: có dự án đầu tư trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; có báo cáo đánh giá tác động môi do việc chuyển mục đích sử dụng rừng; có phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu rừng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác.

Hai du an tren 1.100 ty lam truoc xin duyet sau o Thai Binh: Co dau hieu hinh su?-Hinh-2
 Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.

Hơn nữa, UBND tỉnh Thái Bình cho triển khai dự án trong khi pháp lý của 2 dự án chưa đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, do đó đầu tư 2 dự án này không đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Việc UBND tỉnh Thái Bình tạm ứng vốn 299 tỷ đồng cho các nhà thầu là vi phạm nguyên tắc quản lý, thanh toán vốn đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước – không mục đích, không đúng đối tượng đã được quy định trong Thông tư 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính.

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, đối với những sai phạm đã nêu trên đây có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về những hành vi sai phạm đó.

Đối với việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, tự ý thu hồi đất sau đó giao đất để tiến hành thực hiện dự án của UBND tỉnh Thái Bình (người ký quyết định trực tiếp là Chủ tịch tỉnh Thái Bình) mà thẩm quyền thực quyết định đối với vấn đề trên là của Thủ tướng Chính phủ thì đây là hành vi lạm quyền trong quản lý đất đai.

Tại Điều 229 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau “ Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật…

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;”

Hai dự án nêu trên có mối quan hệ với nhau và tổng diện tích đất rừng phòng hộ tự ý chuyển đổi là 149,14 ha nên chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình (người ký quyết định chuyển đổi và thực hiện) có thể bị phạt tù từ 05 đến 12 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với việc UBND tỉnh Thái Bình tạm ứng vốn 299 tỷ đồng cho các nhà thầu là vi phạm nguyên tắc quản lý, thanh toán vốn đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước – không mục đích, không đúng đối tượng đã được quy định trong Thông tư 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính có thể phải chịu TNHS về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220 BLHS).

Những cá nhân có chức vụ quyền hạn trong việc quyết định chủ trương đầu tư, lập và thẩm định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đối với 2 dự án nêu trên sẽ bị xử lý về tội phạm này. Tùy vào mức độ gây thiệt hại sẽ áp dụng khung hình phạt khác nhau và khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù giam.

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, để xác định cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan tổ chức trong sự việc này thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra để làm rõ các sai phạm, sai phạm đến đâu? Hậu quả như thế nào?... để có các biện phạm xử lý đúng đắn và kịp thời.

Đáng chú ý, giai đoạn tháng 01/2011 đến tháng 02/2015, ông Phạm Văn Sinh giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Còn từ tháng 3/2015 đến tháng 7/2018, ông Nguyễn Hồng Diên giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

Thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Hồng Diên đang là Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình.

Tâm Đức
Theo Kiến thức

Từ khóa: