Có những điều tưởng chừng rất nhỏ bé nhưng lại vô cùng quan trọng trong tình bạn đó!
Có những điều tưởng chừng rất nhỏ bé nhưng lại vô cùng quan trọng trong tình bạn đó!
Nếu quý tớ, hãy quý cả gia đình tớ
Lan (16 tuổi) vẫn nhớ kỉ niệm lần bị đau ruột thừa cấp tính, chưa kịp xin phép cô giáo ra về thì đã thấy bố mẹ tất tả chạy đến. Thì ra Bích - bạn cùng bàn với Lan đã gọi điện đến cơ quan bố mẹ Lan để báo tin. Nhờ đến bệnh viện đúng lúc mà Lan được mổ nhanh chóng và không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Chơi thân với một người, đừng chỉ quan tâm tới mỗi người ấy mà hãy để ý đến cả những người xung quanh nữa. Bạn ý sẽ cảm động biết bao nếu bố mẹ mình nhận được quà chúc mừng kỉ niệm ngày cưới từ bạn.
Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn được cả nhà bạn thân mình quý mến. "Chỉ số tin tưởng" này sẽ giúp bạn trở thành "thiên thần hộ mệnh" cho bạn mình trong những trường hợp cần nhân chứng "đối chất" đấy.
Hãy "chơi" cả với những điều ngốc xít nhất của tớ
Là bạn thân, tất nhiên sở thích, sở trường của cô ấy (cậu ấy), bạn có thể kể vanh vách. Đức (17 tuổi) thậm chí còn kì công ghi lại trong một quyển sổ tay những điều “cực kì đáng nhớ” về cô bạn nhỏ của mình, lật mở từng trang viết là những dòng chữ kèm theo những chú thích cực kì cute: “Chi Mập rất thích ăn mít”, “Mập rất sợ những thứ…mềm mềm, nhũn nhũn mà không có chân”, “Không được để Mập đứng trên độ cao 100m vì hắn rất sợ độ cao
Biết những thứ “vớ vỉn” đó, để bạn vô tình không khiến cho bạn mình la oai oái, suýt ngất xỉu hoặc giận bạn một tuần khi làm nó “hồn bay phách lạc” với một “chú sâu béo tròn màu xanh lá”. Hãy trở thành tư vấn viên và nhắc nhở mọi người không làm nhỏ bạn thót tim hoặc rơi vào những tình huống chỉ muốn độn thổ vì quá xí hổ.
Đừng bao giờ “cáo buộc”
Bạn bè cãi vã là chuyện "bình thường như cân đường, hộp sữa". Nhưng luôn chống chỉ định những lời kiểu như: “Chính cậu lấy đĩa phim của tớ hôm qua mà, sao giờ lại bảo không cầm”, “Đừng có mang chuyện bực tức với bố mẹ sang đổ lên đầu tớ như thế!”, “Sao ấy lại kể chuyện tớ nhờ ấy đưa thư cho anh A,”...
Chính những lời lẽ bực tức, thiếu suy nghĩ ấy sẽ khiến nhỏ bạn bị tổn thương ghê gớm. Sai một li đi cả ngàn dặm, đi luôn một tình bạn gắn bó! Hãy tôn trọng bạn bè, ngay cả khi giận dỗi!
Cần một thế giới riêng nho nhỏ!
Ai cũng giữ cho mình ít nhất một bí mật mà không thể bật mí với bất cứ ai, dù là nhỏ bạn thân “con chí cắn đôi”. Vì thế đừng ép buộc bạn của mình, hoặc đưa ra những điều kiện oái oăm kiểu như: “Mày mà không nói thì không bạn bè gì nữa”, “Tao với mày có phải bạn không thế?”,... để nó phải nói ra một điều bí mật nào đó nó muốn giữ cho riêng mình.
Có khi chỉ đơn giản là nó chưa tự tin để tỉ tê với bạn về một chàng “cool boy” thú vị mà nó đang tia. Lúc đó hãy bình tĩnh, đừng cuống cả lên mà nghĩ tiêu cực kiểu “nó chẳng cần gì mình đâu” mà tra hỏi “phạm nhân”, chỉ cần huých sườn nó “Khi nào cần alo tao ngay nhé!” thế là quá đủ để nó yên tâm và cảm thấy thật hạnh phúc vì có bạn rồi.
Bạn tốt, không có nghĩa là “nhớ Đúng, quên Sai”
Nhìn thấy nhỏ bạn thân ngồi khóc cả buổi đến sưng húp cả mắt vì điểm kém, bạn cũng đâm buồn lây và hạ quyết tâm lần sau sẽ "ném bài" cho nó… sớm hơn. Nó đưa ra một ý kiến sai lè, nếu là ai khác chắc bạn sẽ phản đối đầu tiên, nhưng vì là bạn thân, bạn cho rằng nghĩa vụ của bạn là phải bảo là “Đúng”.
Nó rủ bạn đi shopping và mua một đôi giày tới 10cm màu đỏ chóe chẳng hợp với phong cách thường ngày, nhưng bạn vẫn mỉm cười bảo nó: “Ừ, mua đi, đẹp mà” vì bạn chót nghe nó bảo là thích đôi giày ý… Tất cả những quyết định đó của bạn sai một cách “tổng thể”, vì thân thiết không đồng nghĩa với bao che và tán đồng một cách thiếu suy nghĩ, thiếu cá tính. Trong mọi tình huống, thẳng thắn luôn là một viên vitamin hiệu quả và cực kì cần thiết cho tình bạn!
Hãy giải “bài toán tình bạn teen” một cách thông minh và cẩn thận với những hằng đẳng thức trên nhé! Chúc các bạn luôn tìm được những “đáp số” ấm áp và ngọt ngào nhất!
Chii