Bảng quy hoạch D.A Thung lũng Nữ Hoàng chỏng trơ giữa đất trời. Ảnh: Hồng Bài
Tháng 11/2003, UBND tỉnh Hòa Bình cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Bạch Đằng (Cty Bạch Đằng) lập D.A đầu tư Khu du lịch "Làng văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình", tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn. D.A có tổng diện tích 141ha. Do mục tiêu của D.A là lĩnh vực văn hóa, xã hội, khả năng thu hồi vốn chậm, xét đề nghị của chủ đầu tư, UBND tỉnh Hòa Bình đã cho phép Cty Bạch Đằng đổi tên D.A thành "Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí thung lũng Nữ Hoàng", chủ đầu tư là Cty Cổ phần Du lịch thung lũng Nữ Hoàng.
Thời gian đầu, Cty đầu tư trên 86 tỷ đồng để bồi thường đất, xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, nước), xây 26 biệt thự, 8 nhà sàn. Khí thế rầm rộ ấy chỉ "sống" được một thời gian ngắn rồi "ốm dặt dẹo". Nay cả một vùng đất hơn 141ha, trước là khu vườn chè và cây ăn trái của công nhân nông trường chè Cửu Long và người dân địa phương, đã hoang tàn, rậm rạp. Nhà sàn, khu biệt thự cửa đóng then cài, “Nữ Hoàng” chẳng thấy đâu. Trong khi đó hàng trăm hộ dân thiếu đất sản xuất.
Thi sức với "Thung lũng Nữ Hoàng" là D.A xây dựng "Làng sinh thái Việt xanh" ở xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn. D.A này có diện tích gần 50ha, vốn đăng ký đầu tư 500 tỷ đồng, do Cty Cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Xanh làm chủ đầu tư. Đã 3 năm nay (được cấp phép từ 7/2011), người dân giao đất, tiêu hết tiền bồi thường đất mà không thấy Cty động tĩnh gì. Bà Hoàng Thị Dao, xóm Đồng Tiến nói vui: "Lũ trẻ trong làng được Cty hứa cho vào làm việc nay đã đi làm dâu, có con hết rồi".
Theo lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn, hiện nay, trên địa bàn huyện còn hơn 10 D.A, chủ yếu là đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đang trong tình trang chậm tiến độ hoặc ông chủ đã "bỏ của chạy lấy người".
Xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn nằm ven sông Đà, trên trục đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình. Một vùng đất "vàng" cho các nhà đầu tư có tầm nhìn xa về "du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, điều dưỡng...". Trong 5 năm (2004 - 2009), Hợp Thành đã dành gần 300ha đất để "đón" 3 D.A vào đầu tư. Mới đầu, chủ D.A nào cũng hoành tráng với nhiều hứa hẹn về công ăn việc làm, thu nhập cao, ổn định cho con em địa phương. Ví như D.A Công viên điều dưỡng và Trung tâm Đào tạo kỹ thuật điều dưỡng Việt Nguyên, do Cty Cổ phần Hợp Đức làm chủ đầu tư. D.A này được giao 30,2ha đất. 8 năm nay, ông chủ Hợp Đức chỉ mới làm xong phần công bố quy hoạch chi tiết 1/500 và san ủi một phần mặt bằng, các hạng mục còn lại đều "đắp chiếu". Văn phòng làm việc của Cty cũng phải thuê nhà dân và đang chiụ nợ tiền thuê nhà từ năm 2012 đến nay.
Lần theo địa chỉ đơn khiếu nại của công dân, chúng tôi về xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi tìm gặp chủ D.A "Trường Trung cấp Nghề phát triển nông thôn Thiên Phú". Hỏi đường vào Văn phòng Cty, người dân cười, lắc đầu, nói: “Công an tìm còn không thấy nữa là các bác”. Thì ra chủ D.A kiêm Giám đốc Cty Thiên Phú, bà Bùi Thị Thiên đã "lặn" từ mấy năm nay.
Ông Bùi Việt Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bôi cho biết: D.A có tổng vốn đầu tư 26,31 tỷ đồng, diện tích đất được giao 5ha. Mục tiêu D.A là xây dựng trường dạy nghề với quy mô 600 học viên/năm. D.A khởi công quý I/2008, đi vào hoạt động 9/2009. D.A này được chính quyền xã, huyện rất quan tâm, ủng hộ. Người dân xóm Bôi Câu, nơi Cty xây dựng D.A không chút đắn đo, giao đất "bờ xôi ruộng mật" cho Cty xây trường nghề.
Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", cuối năm 2008, bà chủ đầu tư, kiêm giám đốc chỉ dựng được 3 gian nhà cấp 4 làm văn phòng, rồi đi đâu không ai biết. Thế là dân mất đất, chính quyền không thu được tiền thuế đất.
Còn nhiều nữa những D.A treo ở khắp các địa phương trong tỉnh Hòa Bình. Nhiều nhất là các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn với những D.A chiếm hàng chục ha đất, như: D.A Khu đô thị sinh thái Việt Âu, 25ha; D.A Khu biệt thự sinh thái Tân Vinh, 30ha; D.A Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn, 98 ha, do Cty Cổ phần Đầu tư Renco Sông Hồng làm chủ đầu tư; D.A Làng sinh thái Việt Xanh, 49,9 ha, chủ đầu tư là Cty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam...
Qua tìm hiểu cho thấy, khi xây dựng D.A, các chủ đầu tư đều thuyết minh rất mùi mẫn. Rằng, D.A sẽ đánh thức tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái mà bao năm nay vẫn còn bỏ ngỏ. Rằng, du lịch là ngành công nghiệp không khói. Rằng, Hòa Bình sẽ là điểm khởi đầu cho những tour du lịch vùng Tây Bắc... trên thực tế, không ít chủ đầu tư mới chỉ xây dựng D.A trên giấy mà "ôm" đất thật để sang tay cho đối tượng khác lấy lời.
Chủ D.A có tinh thần nhiệt huyết thật sự năng lực tài chính lại yếu kém, dẫn đến lực bất tòng tâm. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình đã đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 11 D.A, chấm dứt thực hiện 3 D.A với diện tích đất là 142,9ha. Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện nghiên cứu báo cáo của chủ đầu tư các D.A, tình hình thực hiện D.A, từ đó rà soát, kiểm tra, đề xuất chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các D.A chậm tiến độ, không triển khai thực hiện. Đây là một chủ trương đúng, thiết thực nhằm xóa sổ những D.A treo trên địa bàn, tạo đà thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Hồng Bài
theo Thanh tra