Sự kiện hot
12 năm trước

Hậu Giang: 95% bệnh nhân lao là nông dân

Hiện nay, hơn 2.000 bệnh nhân lao của tỉnh Hậu Giang đang được điều trị theo Chương trình Chống lao quốc gia. Chương trình này đã mở ra nhiều hy vọng cho những người mắc bệnh lao ở tỉnh, đặc biệt là những người dân nghèo.

Hiện nay, hơn 2.000 bệnh nhân lao của tỉnh Hậu Giang đang được điều trị theo Chương trình Chống lao quốc gia. Chương trình này đã mở ra nhiều hy vọng cho những người mắc bệnh lao ở tỉnh, đặc biệt là những người dân nghèo.

Hiệu quả bước đầu

Hơn một tháng qua, sáng nào ông Bùi Văn Lâm cũng đến Trạm Y tế xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh để được chích thuốc điều trị lao. Tuổi đã ngoài 80 và bệnh lao đang làm cho sức khỏe của ông suy giảm nhanh hơn, chỉ mấy tháng bị bệnh mà ông đã bị sụt gần 15 cân. “Nhờ được điều trị thường xuyên nên sức khỏe của tôi đã dần hồi phục, ho ít hơn trước…” - ông Lâm cho biết.

Bệnh nhân đến điều trị lao tại Trạm Y tế xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh.

Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hậu Giang, bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới phát hiện hàng năm ở tỉnh này có dấu hiệu tăng nhẹ. Năm 2006, bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới phát hiện là 726 bệnh nhân, đến năm 2011 có 883 bệnh nhân, 6 tháng đầu năm 2012 đã có gần 400 bệnh nhân. Tỷ lệ khỏi bệnh của bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới luôn đạt trên 93%. Riêng năm 2008 và 2009, tỷ lệ này trên 96%. Đây cũng là nguyên nhân giảm tỷ lệ tử vong do lao của Hậu Giang, như năm 2007 tỷ lệ tử vong là 5,57%, đến năm 2011 giảm còn gần 1,4%.

Theo bác sĩ Trần Hoàng Vũ - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hậu Giang đến nay, mạng lưới cán bộ thực hiện chương trình phòng, chống lao đã phủ kín 74 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Công tác điều trị được thực hiện chặt chẽ từ bệnh viện tuyến tỉnh đến trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn. Người được phát hiện có bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được lập hồ sơ và thực hiện điều trị tại trạm y tế nơi cư trú. Hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều có điểm phát hiện bệnh lao tại trung tâm y tế. Nếu bệnh nhân nghi ngờ mình mắc bệnh lao sẽ được tư vấn và xét nghiệm đờm nhằm phát hiện bệnh sớm.

Điều trị sớm - đỡ lây lan

Đáng chú ý, theo thông tin từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hậu Giang, người mắc bệnh lao ở tỉnh này đa số là nông dân, chiếm 95%. Người bệnh ở đủ mọi lứa tuổi, từ đầu năm đến nay có vài ca là trẻ em. Bác sĩ Vũ giải thích, nông dân do vất vả với việc mưu sinh, ít quan tâm đến sức khỏe nên dễ mắc bệnh lao. Họ cũng ít khám bệnh định kỳ nên việc phát hiện bệnh thường chậm trễ. Điều kiện sinh hoạt ở gia đình không được thoáng mát, sạch sẽ nên công tác phòng lây bệnh cũng khó khăn, ngoài ra do kiến thức y tế hạn chế, nhiều người ho có đờm kéo dài nhưng không đi khám, chỉ uống thuốc loanh quanh.

Hiện nay, ước tính trung bình cứ 100.000 dân tại tỉnh Hậu Giang có 140 người mắc bệnh lao. Ngành y tế tỉnh cũng dự đoán giai đoạn từ năm 2012-2015, tỷ lệ này sẽ còn tăng lên 150 bệnh nhân lao/100.000 dân do chưa thể ngăn chặn nguồn lây từ cộng đồng .

Khi đã ốm yếu lâu ngày họ mới đi khám, càng kéo dài cơ hội lây lan vi khuẩn lao trong cộng đồng. TP.Vị Thanh từ đầu năm đến nay chỉ có 62 trường hợp mắc lao mới, nhưng riêng phường 4 có tới 16 trường hợp.

Ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ Chương trình phòng, chống lao, Trung tâm Y tế TP.Vị Thanh, cho biết: “Địa phương này còn tồn tại những nguồn lây bệnh chưa thể quản lý được. Trung tâm đã đề xuất phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hậu Giang tổ chức giám sát đại trà. Đồng thời, sẽ xét nghiệm đờm cho tất cả các thành viên trong những gia đình có người mắc bệnh lao. Hoạt động này nhằm phát hiện sớm những bệnh nhân lao đã bị lây do người thân, chữa trị sớm và ngăn chặn nguồn lây tại cộng đồng”.

Thanh Giang
theo Dân Việt

Từ khóa: