Bột sắt là hóa chất không được phép cho vào thực phẩm nhưng nhiều người kinh doanh thiếu hiểu biết hoặc vì lợi nhuận vẫn cho chất độc hại này vào bún cua, chim cút rán, gà làm sẵn.
Bột sắt là hóa chất không được phép cho vào thực phẩm nhưng nhiều người kinh doanh thiếu hiểu biết hoặc vì lợi nhuận vẫn cho chất độc hại này vào bún cua, chim cút rán, gà làm sẵn.
Bột sắt được tẩm ướp chim cút, gà đến bún riêu
Chim cút được bán tại chợ Ninh Hiệp. Ảnh: Nguyễn Tâm
Tại chợ Ninh Hiệp, các quán bán chim cút rán khá đông. Đây là chợ đầu mối bán vải, quần áo nên lượng người đến mua buôn, mua lẻ nhộn nhịp.
Vì chợ ở xa trung tâm thành phố nên người đi chợ thường dành 4- 6 tiếng để mua hàng. Do đó, nhu cầu ăn uống cũng rất lớn. Trong đó, các quán bán chim cút thường rất đông thực khách ngồi. Khi có khách vào, chủ quán thoăn thoắt cho chim vào rán lại rồi cắt miếng cho thực khách dùng. Có người, ăn xong còn mua cả xâu chục con về cho chồng nhậu.
Theo người dân ở đây thì chim cút rán được cho là đặc sản ở Ninh Hiệp. Với những quán làm ăn nghiêm túc thì chim cút sau khi vặt lông, mổ moi lấy hết nội tạng sẽ được tẩm gia vị gồm bột điều, hoa hồi, hoa quế, đường, ớt, tiêu… Lá móc mật được cho vào bụng chim để tạo mùi thơm.
Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng dùng bột điều để cho vào tạo màu vì bột điều đắt, mà thay thế vào đó là bột sắt, được mua với giả rẻ hơn nhiều.
Rất đông người ăn chim cút rán tại chợ Ninh Hiệp. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Vì chim cút đã được tẩm ướp sẵn nên người ăn khó phát hiện, có chăng là đập vào mắt chiếc chảo dầu đun đi đun lại đen kịt, ở đáy có những lá móc mật cháy khét.
Ngoài chim cút, gà làm sẵn cũng bị chung số phận sử dụng bôt sắt tạo màu. Chị Liên (Ngọc Hà, Hà Nội) chia sẻ: Tôi đi chợ, thấy trên cùng một quầy hàng, có những con gà vàng ruộm từ mỏ, đầu tới chân. Nhưng cũng có con gà trắng bệch. Tôi không bao giờ mua gà vàng trừ khi cắt thớ thịt thấy mỡ phía trong cũng vàng thì đó là con gà ngon. Còn gà mà ngoài vàng, mỡ phía trong trắng thì cẩn thận vì có thể gà bị ngâm phẩm màu”.
|
Lần tìm vào nhà một người quen bán gà mổ sẵn trên đường Văn Cao, Hà Nội, phóng viên mục sở thị xem cách làm gà có tẩm bột sắt.
Gà đã cắt tiết được nhúng vào nước lạnh sau đó nhúng nước sôi khoảng 80 độ, vặt lông, mổ moi sạch. Tiếp theo, người này chuẩn bị một chiếc chậu chứa khoảng 10 lít nước có nhiệt độ khoảng 40 độ có pha chút bột sắt bằng đầu đũa. Bột sắt cho vào được khuấy lên cho đều. Sau đó, gà được cho vào ngâm từ 5- 10 phút thì vớt ra. Lúc này gà sẽ chuyển từ màu trắng thành màu vàng, da gà căng phồng trông rất ngon.
Sau gà, chim cút, đến bún riêu cũng bị sử dụng bột sắt để tạo màu. Bà H. người bán bún riêu cua trên phố Đội Cấn từng cho bột sắt vào bún riêu để tạo màu kể lại: “Trước đây cô không biết, nên cũng sử dụng bột sắt về nấu nước dùng. Mỗi nồi canh 20 lít chỉ cho bột sắt bằng ¼ hạt ngô thôi, màu nước canh sẽ vàng ươm, trông bát bún hấp dẫn hẳn. Bây giờ, cô dùng hạt điều thôi, đắt hơn nhưng không hại, vì mình cũng ăn bún mà”.
Bột sắt có thể gây ung thư
Gà ngâm bột sắt có màu vàng ruộm. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Theo tìm hiểu của PV, bột sắt được bán khá phổ biến ở các hàng khô, bột có màu đen, tuy nhiên, chỉ cần dây tí nước vào bột sẽ chuyển sang màu vàng ruộm.
Theo kết quả phân tích của Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, trường Đại học Công nghiệp TP. HCM, “bột sắt” là một loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diamioazobenzene hydrochloride. Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su) mực in… và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm.
Bột sắt có màu đen nhưng chỉ cần hòa nước, sẽ chuyển sang màu vàng ruộm
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Với chất màu thực phẩm, Bộ Y tế đã quy định rõ, đối với phụ gia được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý, liều lượng, cách dùng…
Nếu dùng màu để nhuộm, đặc biệt các chất gốc azo thì rất độc, chúng có khả năng giải phóng vòng benzen, có thể gây ung thư, nhẹ thì có thể gây dị ứng. Với trẻ nhỏ việc hấp thụ quá nhiều có thể gây kích thích, hiếu động thái quá hoặc lơ đãng.
Chính vì những tác hại trông thấy kia mà ngày 6/10/2011, cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) gửi Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố công văn về việc tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm.
Công văn nêu rõ, thịt gà làm sẵn nhuộm màu “vàng ươm” bởi thứ hóa chất gọi là “bột sắt”.
Không ngâm bột sắt gà thường có màu trắng. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Văn bản này đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sử dụng hóa chất, phụ gia, chất nhuộm màu thịt gà nói riêng và thực phẩm nông lâm thuỷ sản nói chung.
Tuyên truyền cho các hộ kinh doanh không sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, không có tên trong danh mục được phép sử dụng để nhuộm màu thực phẩm nói chung, thịt gà nói riêng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người kinh doanh dùng bột sắt. Do đó, người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua các thực phẩm trên.
Bột sắt (2,4 – diaminoazobenzene hydrochloride) là phẩm màu công nghiệp. Loại màu này được dùng chủ yếu trong công nghiệp nhuộm, có xuất xứ từ Trung Quốc. 2,4 – diaminoazobenzene hydrochloride gây độc hại cho gan và thận, nó có thể gây chết người ở liều lượng cao. Chất bột màu này là dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể con người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang. Tiếp xúc thường xuyên sẽ gây viêm da nặng, kích ứng mắt và chảy nước mắt, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận, chóng mặt, run, co giật, và hôn mê.
Nguyễn Tâm
Theo VTCNews