Hàng chục diễn đàn, hội nhóm những người trẻ cùng chung nhóm máu được thành lập trên mạng. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nhóm máu hiếm được cứu sống nhờ những thành viên thế giới ảo.
Hàng chục diễn đàn, hội nhóm những người trẻ cùng chung nhóm máu được thành lập trên mạng. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nhóm máu hiếm được cứu sống nhờ những thành viên thế giới ảo.
Truyền thông điệp
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trên facebook có hàng chục hội, nhóm máu hiếm như lâu lạc bộ (CLB) Nhóm máu hiếm Hà Nội; Hội những người có nhóm máu hiếm AB với hàng trăm thành viên; Hội những người sở hữu nhóm máu hiếm (ký hiệu Rh-) TPHCM.
Ngoài ra còn có các diễn đàn nhommauhiem.org, lehongphongvh.com… Những thành viên nòng cốt của diễn đàn ảo chủ yếu sinh hoạt tại các CLB, nhóm tuyên truyền vận động hiến máu cứu người ở các thành phố lớn như Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, TPHCM…
Một thành viên nhóm máu hiếm hiến máu tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)
Bên cạnh mục đích giao lưu, kết bạn, những thành viên máu hiếm thường tìm kiếm và kêu gọi những thành viên khác hiến máu trong những trường hợp khẩn cấp.
Mới đây, Cửu Vĩ Hồ, thành viên Hội những người sở hữu nhóm máu hiếm trên Facebook đăng tin khẩn: “Lời kêu cứu của một bệnh nhi tới ai có nhóm máu AB RH -. Hiện tại có một bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Bé đang trong cơn nguy kịch cần hỗ trợ cho máu để kịp thời cứu chữa. Vậy ai có nhóm máu AB RH – hãy cứu bé. Bé đang cần được mổ trong ngày 21 – 7”.
Sau khi thông tin được đăng, nhiều thành viên phản hồi và truyền thông điệp tới bạn bè của mình. Vĩ Hồ cho biết, một thành viên sống tại Hà Nội kịp thời tới hiến máu.
Thu hút nhiều người tham gia nhất là CLB Người nhóm máu hiếm Việt Nam online với hàng nghìn thành viên đến từ khắp mọi miền đất nước.
Để đảm bảo việc tương trợ giữa những người mang Rh âm (không có kháng nguyên Rh) được phát huy tới mức tốt nhất, CLB những người có nhóm máu hiếm được thành lập trên mạng, liên kết nhanh hơn, hiệu quả hơn.
CLB còn là cầu nối giúp đỡ các thành viên, giúp những người có Rh âm được tư vấn sức khoẻ miễn phí.
Trên trang nhommauhiem.org, bên cạnh những thông tin, bài viết về những chương trình, hoạt động được cập nhật, CLB còn giới thiệu những gương tiêu biểu mang dòng máu hiếm, không những tích cực hiến máu mà còn vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp hiến máu cứu người.
Điển hình là bác Bùi Công Minh (54 tuổi ở TP.HCM) với 40 lần hiến máu hiếm Rh- và mang lại sự sống cho 20 bệnh nhân; các bạn trẻ nhiều lần hiến máu trong các trường hợp khẩn cấp như: Bùi Công Minh, Lưu Ngọc Dung, Trần Thị Châu Giang, Nguyễn Thị Yến…
Giao diện Hội những người sở hữu nhóm máu hiếm RH-trên facebook
Cứu người online
Sau những thông báo khẩn trên các diễn đàn mạng, các thành viên thường nhận thông tin qua email hoặc điện thoại trực tiếp từ các thành viên quản trị mạng.
Họ có rất ít thời gian để chuẩn bị nên căn cứ sức khoẻ tại thời điểm nhất định, họ quyết định cứu người. Một ngày đầu tháng 9 - 2011, biết tin một sản phụ ở Quảng Bình thuộc nhóm máu hiếm Rh âm (Rh-) bị sốt xuất huyết và chuyển dạ trong tình trạng tiểu cầu giảm nhanh, nguy cơ tử vong cả sản phụ lẫn thai nhi tính từng phút.
Anh Trần Thanh Sơn (ở Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế), thành viên của CLB Người nhóm máu hiếm Việt Nam kịp tới bệnh viện hiến tiểu cầu giúp ca phẫu thuật được thành công, cứu sống cả 2 mẹ con.
Tháng 3, một bệnh nhân mổ tim, cần máu hiếm được đăng tin trên diễn đàn nhommauhiem.org, 4 thành viên sinh sống tại Hà Nội là Dung, Phong, Huy, Đức Anh có mặt tại Bệnh viện Việt Đức rất sớm để hiến máu. Trong lúc 4 bạn đang làm việc tại cơ quan nhận được tin bệnh nhân được cứu sống nhờ có đủ máu được truyền khi phẫu thuật.
Dịp khác, nhận được cú điện thoại cầu cứu vào buổi tối, cô giáo Thủy, người có nhóm máu hiếm AB âm duy nhất tại Thừa Thiên - Huế, thành viên nhóm máu hiếm tại miền Trung lập tức tới bệnh viện hiến máu cứu sản phụ quê ở Quảng Trị.
Sản phụ mang thai được 8 tháng, đẻ non và bị băng huyết. Nếu không được truyền máu, sản phụ có nguy cơ tử vong. Cô giáo Thủy đã 3 lần cứu người trong tình trạng nguy kịch.
Năm 2008, chị Nguyễn Thị Cẩm Thạch (35 tuổi, TP Đà Nẵng) phải phẫu thật hở van tim khẩn cấp. Chị Thạch mang nhóm máu O-Rhesus âm tính, nhóm máu chỉ có tỉ lệ 1/5.000 người tại Việt Nam. Chị Thạch được phẫu thuật kịp thời với nguồn máu tặng của bốn bạn trẻ tình nguyện thuộc diễn đàn máu hiếm.
“Ba người đến hiến máu giúp chị Thạch vào ban ngày, một người bận công tác, chỉ đến bệnh viện vào ban đêm trước ca phẫu thuật vài giờ”, bác sĩ Nguyễn Văn Thống Nhất, một trong những bác sĩ tham gia tìm kiếm nguồn máu cho chị Thạch kể. Nhờ những tấm lòng hướng thiện trên các diễn đàn mạng, nhiều bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc.
Theo Tienphong