Nhiều hộ dân ở Hà Nội hoảng hốt khi hóa đơn tiền điện tháng 6 của gia đình tăng đột biến, thậm chí là cao nhất từ trước tới nay… Dù biết lượng tiêu thụ điện tăng do nhu cầu sử dụng cao trong mùa nắng nóng nhưng khi nhận hóa đơn tiền điện, nhiều hộ dân vẫn lắc đầu ngao ngán: “Tăng đến mức khó hiểu, khó chấp nhận!”.
Tiền điện tăng, người dân sửng sốt
Theo tìm hiểu, thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI), lượng điện tiêu thụ bình quân tháng 6 vừa qua, tăng cao ở mức 71,18 triệu kWh/ngày, trong đó có nhiều ngày cao kỷ lục. Ngay trong những ngày đầu tháng 7.2019, lượng điện tiêu thụ trên toàn thành phố cũng đều duy trì xấp xỉ mức rất cao trên 70 triệu kWh/ngày.
Có thể thấy, thời tiết hiện tại đang vào đợt cao điểm của nắng nóng, mức tiêu thụ điện của các hộ dân tăng cao là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, giá tiền điện sử dụng tăng cao một cách bất thường thì lại là chuyện khác. Trong thời gian vừa qua, nhiều hộ dân sinh sống tại Hà Nội không khỏi lo lắng khi nhận được thông báo về giá thành sử dụng giá điện của hộ gia đình mình.
Ông Phạm Đức Cường (phố Kim Hoa, quận Đống Đa Hà Nội) cho biết, hiện tại ông vẫn đang hoảng hốt khi nhận được thông báo tiền điện của Công ty điện lực quận Đống Đa từ ngày 6/6 đến ngày 5/7 với số tiền 2.014.106 đồng.
“Đây là mức tiền điện cao nhất từ trước đến nay của gia đình. Tôi mới nghỉ hưu được vài ngày, vợ con tôi đi suốt, cả nhà chỉ dùng chung 1 chiếc điều hòa… Đành rằng, lượng tiêu thụ điện tăng do nhu cầu sử dụng cao trong mùa nắng nóng nhưng không thể lý giải nổi, giá đến tăng đột biến, khó chấp nhận như vậy!”, ông Cường nói.
Trong khi đó, ông Mai Xuân Tín (khu phố Phương Liệt, quận Thanh Xuân) cũng chung niềm trăn trở sau khi nhận được thông báo về mức giá sử dụng điện trong tháng 6 vừa qua lên đến 1.800.000 đồng. Trong khi đó, giá điện trung bình vào những tháng trước chỉ xấp xỉ 1.000.000 đồng.
“Mặc dù tháng 6 vừa qua, thời tiết cũng khá nóng, thế nhưng, giá điện lên cao thế này thì không thể giải thích nổi. Điều hòa ở nhà mọi người cũng dùng nhưng biết là sẽ tốn kém nên hạn chế tối thiểu sử dụng những vật dụng có mức tiêu thụ cao ở trong nhà, nên tiền điện không thể tăng đến mức “phi mã” như thế này được!”, ông Tín bức xúc.
Tương tự ông Tín, chị Đỗ Thị Hương đang sống tại chung cư mini địa chỉ số 575 Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân) cũng hoảng hốt cho biết giá điện nhà mình đã vượt quá cao so với những tháng trước từ mức 500.000 nghìn đồng lên đến 1.350.000 nghìn đồng.
“Thống kê các hóa đơn, từ trước đến giờ nhà tôi thường dùng ở mức trung bình, tôi sống một mình, đi làm cả ngày, chưa kể có những tháng đi công tác đến một hai tuần không về nên tiền điện thường rất ít. Lịch sinh hoạt tháng 6 vừa rồi không thay đổi nhưng nhà hết tận 340 số điện, tính ra là khoảng hơn 1,3 triệu đồng tiền điện, quả thật là kỉ lục”, chị Hương cho biết.
Chính chủ hộ gia đình đã vậy, đối với người thuê trọ, giá điện tăng tiếp tục trở thành gánh nặng chồng chất.
Anh Tạ Tú Thành (Tuyên Quang) thuê một căn nhà trọ tại ngõ 34 phố Phú Đô, quận Nam Từ Liêm bày tỏ sự bức xúc khi giá điện chung đã tăng nay bị chủ nhà thu cao hơn so với quy định khiến cuộc sống gia đình anh thêm khó khăn.
“Hầu hết bây giờ nhà trọ nào cũng thu vượt mức qui định, thường là sẽ là 3,8 -4 nghìn đồng/số. Với mức tiền thu như thế này đã là kinh khủng rồi. Nếu như nhà chủ họ bị tiền điện cao hơn bất thường đương nhiên sẽ điều chỉnh lại giá điện của mỗi hộ thuê nhà. Trường hợp nhà tôi, thuê một phòng trọ, đi làm cả ngày chỉ tối về mới ngủ và sử dụng điều hòa nhưng tháng 6 vừa rồi hết 1.500.000đ tiền điện. Tôi thấy hết sức vô lý nhưng chủ nhà thu như vậy, tôi đành ‘cắn răng’ nộp”, anh Thành nói.
Điều chỉnh giá không phù hợp thực tế?
Cũng về vấn đề giá điện, trong tháng 5/2019, Cục điều tiết điện lực - Bộ Công Thương đã có văn bản phúc đáp kiến nghị của Sở Công Thương Hà Nội xin tiếp thu, sẽ tiếp tục đánh giá việc thực hiện và nghiên cứu cơ chế giá bán điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện cũng như phù hợp với kỹ thuật đo đếm điện năng sử dụng công nghệ truyền dữ liệu tự động từ xa hiện nay.
Cơ cấu biểu giá bán điện hiện nay được quy định theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Theo quy định, khi thay đổi giá bán điện, Bộ Công Thương ban hành các văn bản quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Sau khi Bộ Công Thương có Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20.3.2019 về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ động kiểm tra, giám sát, đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá điện.
Giá điện sinh hoạt bậc thang ban đầu được điều chỉnh từ mức giá bậc 1 cho 100Kwh đầu tiên, 2 mức giá sau có bước giá cho từng 50kwh, mức bậc thang thứ 4 tính cho số điện từ 201kwh; đến nay vẫn duy trì 6 bậc giá nhưng bậc thang thứ nhất và thứ 2 được điều chỉnh có biên độ 50kwh, các bậc thang còn lại đều tính là 100kwh. Bậc thang này được lý giải để hỗ trợ cho người nghèo có mức sử dụng dưới 100kwh.
Tuy nhiên, Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, sự điều chỉnh này không phù hợp với thực tế vì hiện nay không còn nhiều hộ sử dụng dùng dưới 50 hoặc 100kwh. Nghiên cứu biểu giá theo Quyết định số 648/QĐ-BCT với biểu giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7.4.2014, thấy rằng mức chênh của bậc 2 so với bậc 1 là 3%; từ bậc 3 so với bậc 2 là 15%; từ bậc 4 so với bậc 3 là 28%; từ bậc 5 so với bậc 4 là 26%; bậc 6 so với bậc 5 là 5%.
Như vậy trong khoảng từ 200 đến dưới 400kwh (bậc thang tứ 3, thứ 4) thì biên độ tăng giá là cao nhất nên tạo mức tăng khá lớn. So với điều kiện sử dụng điện hiện nay, tổng hóa đơn điện sinh hoạt được ghi nhận tăng trên mức tăng 8,36% được công bố rất nhiều. Việc điều chỉnh giá điện cũng ảnh hưởng đến số đông người lao động, sinh viên nghèo thuê nhà trọ trên địa bàn thành phố Hà Nội do tác động tăng giá điện.
Huy Đức
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng