Món ăn được chế biến từ những nguyên liệu dân dã. Nhưng, xuất xứ “danh gia vọng tộc” của nó khiến người thưởng thức có một cảm nhận khác hẳn.
Món ăn được chế biến từ những nguyên liệu dân dã. Nhưng, xuất xứ “danh gia vọng tộc” của nó khiến người thưởng thức có một cảm nhận khác hẳn.
Một hôm, bà Xuyến, 76 tuổi, người gốc Quảng Trị, nhà ở quận 12 (TP.HCM) tập hợp các con dâu và con gái lại để truyền một món ăn có xuất xứ từ cung đình. Bà hy vọng: “Món này ít người biết, phải truyền lại để con cháu sau này gìn giữ”.
Lẫn trong tiếng dao cắt gọt rau củ trong bếp là giọng bà Xuyến đều đều kể lại chuyện xưa. Câu chuyện về món Hoà Lốn từ trong cung vua ra ngoài dân gian ở thập niên 1950 của thế kỷ trước bắt nguồn từ một cô đào hát tên Cúc.
Năm đó, cô đào được vào Thành Nội diễn tuồng cho vua Bảo Đại xem, dịp này cô học lóm được nhiều món ngon trong cung. Về sau, cô đào về làm vợ ông tỉnh trưởng Quảng Trị. Còn bà Xuyến khi ấy ở vào độ 15 – 16 tuổi, giúp việc tại nhà tỉnh trưởng. Bà vợ tỉnh trưởng thấy thương cô bé chịu thương chịu khó, bèn truyền lại các món độc chiêu của bà, trong đó có món Hoà Lốn này.
Món Hoà Lốn gồm có chín loại nguyên liệu: đậu ngự, đậu phộng, hạt sen, đậu que, khoai tía, bí đỏ, càrốt, bột báng và thịt. Nếu nấu chay thì dùng đậu hũ thay cho thịt. Ướp thịt với củ ném, một loại củ giống như củ hành tím nhưng thơm hơn, không có vị chua, có người gọi là củ nén hay hành tăm. Sau đó phi củ ném cho thơm rồi cho thịt đã ướp vào xào. Các loại đậu, củ cắt nhỏ vừa ăn. Tuỳ theo độ cứng mềm của nguyên liệu mà cho vào nồi trước sau. Món ăn nấu đơn giản nhưng cần sự tỉ mỉ khi sơ chế. Bà Xuyến cho biết: “Không biết tên Hoà Lốn có ý nghĩa gì, nhưng chín loại nguyên liệu trong món ăn tượng trưng cho sự trường cửu”.
Hương vị của món ăn cũng như các món canh, súp khác. Tuy nhiên, màu sắc khá bắt mắt, cùng câu chuyện xuất xứ cung đình của món ăn khiến người thưởng thức cảm thấy thích thú.
Minh Cúc
Theo SGTT