Giữa cái nắng như thiêu như đốt của tháng 7, ông Ch. lúi húi cho thêm củi vào bếp để nấu cơm. Vừa quệt tay lau mồ hôi lấm tấm trên trán, ông cất giọng buồn buồn: “Vợ chồng nó đi lên rẫy từ sớm, lát nữa mới về. Tội nghiệp con bé, hồi nhỏ nó ước mơ sau này lớn lên sẽ làm giáo viên như tui và anh nó, nhưng giấc mơ của nó mãi mãi không thể thực hiện được. Tôi thấy cái bụng mình rất buồn, cái đầu suy nghĩ nhiều, nhưng chuyện đã lỡ thì biết làm sao chú. Cũng may là nó và éo (tiếng H’re có nghĩa là thằng cu) Huy đều mạnh khỏe…”.
Những sinh hoạt cộng đồng lành mạnh là điều kiện để hạn chế tình trạng tảo hôn.
Sao “yên” nỡ vội lấy chồng
Đinh Thị L., sinh năm 1996, khi đang học lớp 9 Trường THCS Đinh Nỉ thì Đinh Văn V., ở tổ 6 xã An Trung, để ý. Ông Ch. biết chuyện đã tìm mọi cách ngăn cản, nhưng hai đứa trẻ vẫn cứ lén lút hẹn hò. Thế rồi một hôm L. bỏ trường về nhà. Nhìn mặt con gái tỏ ra lo lắng, bà Đinh Thị D. cố tìm hiểu nhưng L. chỉ nói rằng: “Con không muốn đi học nữa”. Rồi ông Ch. và bà D. biết con gái mình có bầu. Chuyện vỡ lỡ, hai bên gia đình đành phải làm lễ cưới cho hai đứa và Đinh Văn V. về ở rể nhà ông Ch.
Ông Ch. kể: “Cái số con nhỏ đúng là lao đao. Ngày nó gần sinh, hai vợ chồng chở nhau xuống bệnh viện huyện để khám, ở đó người ta nói còn lâu nó mới sinh. Vậy mà khi hai vợ chồng chở nhau từ bệnh viện về nhà thì con nhỏ đẻ rớt dọc đường…”.
Rồi như chợt nhớ ra điều gì, giọng ông bất ngờ chùng xuống, lộ rõ sự lo lắng: “Vợ chồng nó có bị phạt nặng không?”. Rồi như không cần tôi trả lời, ông Ch. nói luôn: “Có phạt thì cũng đành chấp nhận thôi, chứ biết sao…”. Có lẽ ông Ch. không hình dung ra rằng theo luật pháp thì gia đình ông không những bị phạt mà đứa con rể còn phải vướng vào tù tội vì “quan hệ với trẻ vị thành niên”.
Trước đây gia đình ông Đinh Văn Ch. thuộc diện hộ khá trong xã, nhưng bây giờ đã rơi vào diện hộ nghèo bởi nhà tăng thêm miệng ăn mà vợ chồng ông thì đã già không thể lao động được. Ông Ch. tiếp tục câu chuyện: “Bây giờ thấy hai đứa quần quật suốt ngày trên rẫy, dưới ruộng mà thương, vợ tôi thì phụ giữ éo Huy, còn tôi thì lo cơm nước…”.
Mới đây, Đinh Văn V. đã trúng tuyển nghĩa vụ và chờ ngày lên đường nhập ngũ. Rồi đây một mình Đinh Thị L. vừa phải lo cáng đáng gia đình vừa phải nuôi con nhỏ.
Không chỉ có trường hợp của Đinh Thị L. mà ở xã An Dũng còn có 4 trường hợp nữa phải nghỉ học giữa chừng để “lên xe hoa”. Ông Đinh Văn X. kể: “Đang học lớp 11 Trường THPT Trung Hưng, Đinh Thị X., con gái tui, bỗng đưa bạn trai về nhà mỗi khi về thăm. Lúc đầu tui nghĩ chúng nó là bạn học với nhau nên cũng ít quan tâm, sau đó thằng bạn đến thường xuyên hơn và ở lại nhà luôn. Đùng một cái, con bé nói bỏ học và muốn đi lấy chồng, gia đình tui khuyên ngăn thế nào cũng không được nên đành phải tổ chức lễ cưới…”.
Ông Đinh Văn Xoa, cán bộ tư pháp xã An Dũng, tỏ ra bức xúc: “Có một số trường hợp các em yêu đương khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã phối hợp với thầy cô chủ nhiệm và gia đình khuyên bảo, điển hình như trường hợp cháu Đinh Thị X., nhưng các cháu vẫn không nghe và nhất định phải lấy nhau”.
Tại Lễ hội VH-TT xã An Nghĩa lần thứ 4, chúng tôi thấy cô Đinh Thị K., ở thôn 5 xã An Nghĩa, cứ bế con trên tay, đứng trong trại thôn nhìn mọi người vui chơi ngoài sân. Đôi mắt K. đượm buồn. Tôi hỏi: “Sao K. không tham gia với mọi người?”, K. cười buồn: “Có con nhỏ mà, ai giữ nó đâu mà mình chơi?”. Đinh Thị K. cũng lấy chồng khi chưa đủ tuổi và giờ đây khi nhìn các bạn cùng trang lứa đang vui chơi trong lễ hội, hẳn K. cũng hối tiếc cho tuổi vị thành niên của mình đã sớm bị chuyện chồng con ràng buộc.
Sự tiếc nuối trên đôi mắt của người mẹ trẻ khi thấy mọi người vui chơi trong lễ hội.
Khi “rơm” để gần “lửa”
Trong số 15 trường hợp tảo hôn mà huyện An Lão thống kê được từ đầu năm 2012 đến nay, nhiều nhất là ở xã An Dũng (5 trường hợp), An Hưng (3), An Trung (2), số còn lại rải rác ở các xã An Nghĩa, An Vinh… Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều là học sinh đang theo học tập trung tại các trường nội trú.
Về vấn đề này, ông Đinh Văn Xoa lý giải: “Nạn tảo hôn phần lớn rơi vào học sinh nội trú. Trong môi trường này, các em có dịp ở gần bên nhau nên nảy sinh tình cảm, lại không có gia đình ở bên cạnh nên dễ làm “chuyện người lớn”. Khi cha mẹ biết được thì chuyện đã lỡ rồi đành phải làm đám cưới cho tụi nó”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì từ xưa, người H’re có tục “cui heo” (ngủ chơi, ngủ thăm). Khi nam, nữ đến tuổi dậy thì có thể đến nhà cô gái mà mình để ý và xin phép gia đình cô gái được “cui heo” đến khi thấy hợp ý thì đi đến hôn nhân. Tuy nhiên, tục “cui heo” ngày xưa rất thánh thiện. Khi tìm hiểu ưng cái bụng rồi thì đôi trai gái lấy nhau và sống cho đến chết, còn bây giờ giới trẻ đã “biến tướng” tập tục này. Thêm vào đó, do kiến thức về giới và các biện pháp phòng tránh thai bị hạn chế nên không ít trường hợp đã để lại “hậu quả”.
Ngoài ra, còn một vấn đề khác khiến giới trẻ ở vùng đại ngàn An Lão rất dễ dàng tìm đến nhau là chiếc điện thoại di động. Tôi chứng kiến không ít trường hợp các “éo” (thằng cu) các “yên” (con gái) tuổi còn nhỏ vừa đi chăn bò, thả trâu vừa lấy điện thoại ra gọi nhau, nghe nhạc, xem phim. Có được chiếc điện thoại di động, các em hẹn hò nhau cũng dễ dàng hơn. Những đêm ca nhạc, chiếu phim ở huyện, ở xã là những dịp để các em hẹn hò ở bên nhau.
Một bà mẹ trẻ người Bana đưa con đi xem lễ hội.
Vĩ thanh
Theo những người lớn tuổi ở An Lão, tình trạng tảo hôn trong cộng đồng người H’re, Bana ở đây đã có từ lâu. Năm 2012, thống kê được 15 trường hợp tảo hôn ở các xã. Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng phòng VH-TT huyện An Lão, cho biết: “Rõ ràng việc các em kết hôn sớm là ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sức khỏe của chính các em và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, đó là chưa kể đến chuyện vi phạm pháp luật. Trước thực trạng này, Phòng VH-TT và các ban ngành đoàn thể đang tìm những giải pháp để ngăn chặn…”.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn tiếp diễn, huyện đã chỉ đạo cho các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong dân. Chỉ đạo các ngành tìm hiểu và phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn đến tảo hôn để từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn…”. Với tôi, có lẽ cùng với những biện pháp tuyên truyền của huyện, điều quan trọng là công tác giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên nói chung và trong nhà trường nói riêng rất cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Rời xã An Dũng khi mặt trời đang dần khuất xuống núi, tôi ám ảnh bởi lời ru ca lêu buồn buồn của bà Đinh Thị D. khi ru cho éo Huy ngủ: “Ê…ê…ê… cháu của bà ơi hãy ngủ cho ngon nhé. Hạt bắp trên nương, con cá dưới suối, mai này cháu khôn lớn như ngọn núi Cha, mạnh mẽ như cánh đại bàng, như dòng sông Xang chảy mãi không ngừng. Cháu của bà ơi, hãy ngủ cho ngon…”.