Hội đồng vàng thế giới (WGC) nhận định sự bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng tăng vọt, cho dù việc giá vàng đứng ở mức cao kỷ lục có làm giảm sút hoạt động mua bán trên thị trường.
Hội đồng vàng thế giới (WGC) nhận định sự bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng tăng vọt, cho dù việc giá vàng đứng ở mức cao kỷ lục có làm giảm sút hoạt động mua bán trên thị trường.
Báo cáo cuối tuần qua của WGC dự báo nhu cầu vàng trên thế giới trong 3 tháng tính đến tháng 9/2011 đạt 1.054 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2010, tương đương mức cao kỷ lục 57,7 tỷ USD về mặt giá trị. Sự gia tăng này chủ yếu nhờ nhu cầu đầu tư tăng 33%, trong đó vàng được đánh giá là phương tiện đầu tư an toàn sau khi Mỹ bị hạ mức đánh giá tín nhiệm tài chính, các thị trường cổ phiếu toàn cầu suy giảm và cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro xấu đi.
Nhu cầu đầu tư vào vàng tăng lên đã bù đắp cho sự sụt giảm 10% của nhu cầu vàng làm đồ trang sức trong quý 3/2011, vào thời điểm giá vàng chạm mức cao kỷ lục 1.920 USD/ounce trong tháng 9/2011.
Theo báo cáo của WGC, các nhà đầu tư trên toàn cầu đang tìm cách bảo vệ tài sản của mình, đa dạng hóa rủi ro và kiếm lời từ vàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và chưa có dấu hiệu ổn định. Đầu tư và trang sức bằng vàng là hai động lực chính đằng sau nhu cầu vàng hiện nay.
Giám đốc đầu tư của WGC, Marcus Grubb, cho hay những nền tảng cơ bản của vàng trong dài hạn vẫn mạnh, trong bối cảnh nhu cầu vàng lớn và ngày càng gia tăng, đi kèm với nguồn cung hạn chế.
Giá vàng thế giới lập mức cao kỷ lục trong tháng 9/2011 sau khi các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lớn và các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đổ xô mua vàng. Tuy nhiên, giá mua cao cùng lạm phát xấp xỉ hai con số cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu ở Ấn Độ - nước tiêu thụ và nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới - giảm 23% xuống 203,3 tấn trong quý 3/2011, so với 263,9 tấn cùng kỳ năm 2010. Nhà phân tích Louise Streets và Johan Palmberg của WGC cho rằng lòng tin của người tiêu dùng đã bị xáo động mạnh do lạm phát trong nước ở mức cao gần 10%.
Việc giá vàng cao và biến động thất thường đúng trong dịp lễ hội ở Ấn Độ, mà đỉnh điểm là lễ hội Diwali của đạo Hindu hồi tháng 10/2011, đã "cản trở" nhu cầu của người mua vàng. Tuy nhiên, WGC dự báo nhu cầu mua vàng của Ấn Độ sẽ tăng lên trong mùa cưới, kéo dài từ tháng 12 năm nay tới tháng 1 năm sau.
Trong khi đó, với nhu cầu hàng hóa xa xỉ tăng mạnh của tầng lớp trung lưu giàu lên chưa từng có, Trung Quốc đi đầu với nhu cầu vàng tăng 17% lên 200,7 tấn trong quý 3/2011, nâng tổng nhu cầu trong năm 2011 lên tới 750 tấn vàng.
Mua vàng như một phương tiện đầu tư đã trở thành một sự lựa chọn thông dụng hơn đối với người dân Trung Quốc trong quý 3, khi vàng được coi là một tài sản đầu tư an toàn trong giai đoạn kinh tế bất ổn.
Trong khi đó, nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc trong quý 3 năm 2011 tăng 13% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 131 tấn khi các nhà bán lẻ mở rộng mạng lưới ở các thành phố nhỏ để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng tăng nhờ thu nhập của người dân được nâng cao.
Các nền kinh tế châu Á khác, như Việt Nam, Hong Kong và Đài Loan cũng có mức tăng nhu cầu vàng mạnh mẽ.
Trong khi đó, nguồn cung vàng trong quý 3 năm 2011 đạt 1.034,4 tấn trong quý 3 năm 2011, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2010.
Như Mai
Theo TTXVN/Vietnam+