Sự kiện hot
2 năm trước

Hưng Yên, Hòa Bình, Cần Thơ được chuyển 130 hécta đất lúa làm dự án

Ủy ban nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình và thành phố Cần Thơ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (hơn 130 hécta) để thực hiện dự án khu đô thị, cụm công nghiệp.

Picture 2
Ảnh minh họa.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Chính phủ vừa cho phép ủy ban nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình và thành phố Cần Thơ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án khu đô thị, cụm công nghiệp với tổng diện tích chuyển đổi hơn 130 hécta theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, tại công văn số 229/TTg-NN ban hành ngày 10/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chấp thuận, cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chuyển mục đích sử dụng 43,98 hécta đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Khu đô thị mới Trung Minh A.

Tương tự, tại công văn số 229/TTg-NN, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chấp thuận cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chuyển mục đích sử dụng 24,82 hécta đất trồng lúa để thực hiện dự án khu dân cư Nam Long 2.

Riêng tại tỉnh Hưng Yên, theo công văn số 231/TTg-NN, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chấp thuận cho ủy ban nhân dân tỉnh này chuyển mục đích sử dụng 65 hécta đất trồng lúa để thực hiện dự án cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão-Nghĩa Dân.

Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh Cần Thơ, tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan.

Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ TN-MT sẽ xem xét, đề xuất ủy quyền cấp tỉnh chuyển đổi đất lúa.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, tới đây, Bộ này sẽ nghiên cứu, đề xuất việc ủy quyền phân cấp cho cấp tỉnh trong chuyển đổi đất lúa trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Theo đó, việc nghiên cứu, đề xuất ủy quyền phân cấp cho cấp tỉnh trong chuyển đổi đất lúa là bởi theo kiến nghị của cử tri, các trường hợp chuyển đổi đất lúa hiện nay thường kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và kêu gọi đầu tư.

Mặt khác, trước đó, ngày 13/11/2021, Quốc hội cũng đã ký ban hành một số Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương.

Trong đó, tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, có phân cấp cho hội đồng nhân dân cấp thành phố chấp thuận việc sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 hécta theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Tương tự, Nghị quyết số 36/2021/QH15, Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa cũng phân cấp cho hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận việc sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 hécta; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 hécta; đất rừng sản xuất dưới 1.000 hécta theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định./.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: