Bánh “cộ”- ngay cái tên gọi đã rặt Huế. “Cộ” là giọng Huế đọc từ “cỗ”, ý muốn chỉ loại bánh chủ yếu để cúng kỵ, sau đó mới ăn. Ngày nay dựa vào màu sắc người ta quen gọi là bánh ngũ sắc.
Bánh “cộ”- ngay cái tên gọi đã rặt Huế. “Cộ” là giọng Huế đọc từ “cỗ”, ý muốn chỉ loại bánh chủ yếu để cúng kỵ, sau đó mới ăn. Ngày nay dựa vào màu sắc người ta quen gọi là bánh ngũ sắc.
Bánh ngũ sắc được xếp hình chóp nhọn và gói giấy bóng kính. Ảnh: Vũ Hào
Bánh ngũ sắc xuất xứ từ cung đình, riêng cái màu vàng vốn đã thuộc đặc quyền sử dụng của hoàng gia. Đến năm 1945, nhà Nguyễn cáo chung, các cung nữ được tự do trở về với gia đình, thứ bánh này mới xuất hiện trong dân gian.
Người Huế mua bánh này về chưng trên bàn thờ Phật và tổ tiên. Giá bánh không đắt đỏ đến mức chỉ dành cho người giàu, trái lại hết sức bình dân. Một cỗ bánh lớn theo thời giá hiện nay là 70.000 đồng, cỗ bánh nhỏ nhất chỉ khoảng 15.000 đồng. Quanh năm, những ngày ba mươi, mồng một, mười bốn, rằm (âm lịch), thường thấy tấp nập người mua bánh ngũ sắc.
Theo quan niệm của người Huế cỗ bánh là phẩm vật tạo nên sự trang nghiêm, tinh tấn để thờ cúng, không phải mua về ăn như các món bánh khác. Hình thức cỗ bánh được gói theo từng bọc lớn hoặc vừa và nhỏ. Bao bì bằng giấy kính, thắt nơ và có nhãn in chữ “phúc” hay lời chúc tết. Mỗi cỗ bánh ngũ sắc luôn phải đủ năm màu. Các chiếc bánh được làm nhỏ và thanh, tạo hình hoa văn hay chữ “hỷ”, chữ “lộc” theo lối chữ triện cổ. Màu sắc mỗi chiếc bánh thoạt nhìn rất bắt mắt.
Thời còn trong cung đình, cách làm bánh ngũ sắc cầu kỳ từ cách lấy màu đến cách chế biến. Giấy gói bánh đều do các cung nữ tự làm. Màu xanh lá cây họ dùng các loại lá ớt, rau má. Màu nghệ lấy nghệ tươi, gọt vỏ, xay nhuyễn. Màu tím lấy lá cẩm cắt khúc ngắn, nấu với nước và rượu trắng. Màu đỏ tím lấy củ dền gọt vỏ, nấu nhừ. Màu hồng lấy trái gấc chín hòa ruợu trắng. Màu vàng mơ lấy đậu xanh khô, đãi vỏ rồi giã nhuyễn hòa với chút nước sôi, màu cà rốt từ củ cà rốt xay nhuyễn với nước… năm màu tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất.
Mỗi chiếc bánh được làm bằng một loại bột riêng: bột nếp, đậu xanh, huỳnh tinh, hạt sen… Gói bánh theo quy định cụ thể như giấy màu xanh là bột đậu xanh, giấy màu tím là bột nếp, màu trắng là bột huỳnh tinh…
Từ xưa kia, bánh ngũ sắc đã thuộc vào “danh mục” những món bánh đặc biệt ở các chùa Huế, để “trước cúng sau cấp”. Sau khi vãn cảnh chùa, khách sẽ được mời những chiếc bánh còn thơm lừng vị nếp, tách nước trà thoang thoảng hương sen. Vị thơm của bánh và trà hòa lẫn vào nhau.
Ngày nay đến dịp tết Nguyên đán bánh bán rất chạy. Cuối năm, các gia đình làm bánh ngũ sắc hối hả sản xuất, nếu mưa kéo dài khiến việc phơi bánh khó khăn, họ phải dùng than củi sấy bánh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Dù thời gian tết nhất gấp gáp, nhưng bánh ngũ sắc đòi hỏi phải thật tinh khiết trong việc làm bột, pha đường, gói bánh… Những người phụ nữ đến ngày “đèn đỏ” hoặc vừa đi thăm người sinh đẻ, thăm đám tang về, đều không được tham dự làm bánh. Dù nhu cầu mua bánh tăng gấp trăm lần ngày thường, những gia đình làm bánh không bao giờ vì lợi nhuận mà xem thường chất lượng. Bởi họ quan niệm mình có thể lừa dối người trần, nhưng không thể qua mắt người cõi trên.
Bây giờ về hình thức, mỗi cỗ bánh được tạo hình “kim tự tháp”, gồm hàng trăm chiếc bánh nhỏ được xếp tương tự như mâm ngũ quả. Để cuối tháng Chạp khách hàng mua về cúng ông Táo, cúng tất niên, giao thừa và chưng trên bàn thờ. Lúc phá cỗ, những người già thường dậy thật sớm thưởng trà với bánh ngũ sắc. Họ nhắm một miếng bánh nhỏ, nhấp một ngụm trà ướp hương sen, ngắm nhìn những chậu hoa kiểng, trong không gian phảng phất trầm hương.
Vũ Hào
Theo SaigonTimes Online