Sự kiện hot
5 năm trước

Huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc: Xây dựng Đảng và phát triển Kinh tế - Xã hội sau 20 năm tái lập

Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời là năm đánh dấu mốc kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen, song dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Huyện uỷ, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, năng động của UBND huyện, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và nhân dân các dân tộc trong huyện. Bình Xuyên đã phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo và vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn. Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 để tạo đà cho năm 2019 nhiều triển vọng và thành công.

Chú trọng củng cố hệ thống chính trị và định hướng phát triển Kinh tế - Xã hội

Hơn 20 năm qua, Đảng bộ huyện Bình Xuyên luôn chú trọng củng cố và xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 03 và 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngành công nghiệp - xây dựng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Xuyên
Ngành công nghiệp - xây dựng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Xuyên

Theo ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết: Khi mới tái lập, Bình Xuyên gặp không ít khó khăn, kinh tế của huyện kém phát triển, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. Năm 2000, giá trị sản xuất toàn huyện chỉ đạt 275 tỷ đồng, tổng thu ngân sách đạt gần 25 tỷ đồng ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, với tỷ lệ 65%; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn yếu và chưa đồng bộ, các nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn hẹp,.. Bình Xuyên chủ yếu phát triển tiểu thủ công nghiệp, trong khi công nghiệp nặng, cơ khí, chế tạo chưa phát triển như hiện nay. Huyện có 2 làng nghề nổi tiếng đó là gốm Hương Canh và mộc Thanh Lãng.

Với mục đích phát triển kinh tế đa thành phần, sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy rất quan trọng. Đảng bộ huyện Bình Xuyên đã ra nhiều nghị quyết về chăm lo, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phát triển đảng viên. Khi mới được tái lập, huyện có 44 chi, Đảng bộ trực thuộc với 3.400 đảng viên; đến nay, số cơ sở đảng tăng lên 68 chi, Đảng bộ trực thuộc với trên 5.300 đảng viên; chất lượng đảng viên được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu trong từng thời kỳ.

Xác định là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, Bình Xuyên đã tập trung cho công tác GPMB các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn. Hiện nay huyện đã triển khai thực hiện GPMB cho 6 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.822,71ha, gồm: KCN Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên, Bình Xuyên II, KCN Sơn Lôi, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc. Ngoài 6 khu công nghiệp, huyện cũng đã quy hoạch 02 cụm công nghiệp tổng diện tích 36,86 ha gồm Cụm công nghiệp Hương Canh II diện tích 19,1ha, Cụm công nghiệp làng nghề thị trấn Thanh Lãng diện tích 17,76ha.

Hiện nay sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, trong đó tăng mạnh nhất ở các sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: Linh kiện điện tử, thép xây dựng, gạch ốp lát, sản xuất xe máy… Bên cạnh đó một số doanh nghiệp mới đi vào sản xuất nên đã góp phần tăng giá trị của ngành công nghiệp trên địa bàn.

Tính đến cuối năm 2018, có thêm 08 doanh nghiệp FDI đăng ký kinh doanh mới với tổng vốn đầu tư 26,3 triệu USD; lũy kế đến nay có 149 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 2.029,3 triệu USD. Đồng thời có thêm 03 doanh nghiệp DDI đăng ký kinh doanh với số vốn đầu tư 144 tỷ đồng; lũy kế đến nay có 31 doanh nghiệp, tổng nguồn vốn 2.583 tỷ đồng. Số doanh nghiệp dân doanh đăng ký hoạt động tăng khá, năm 2018 ước có 122 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, lũy kế đến nay có 1.189 doanh nghiệp. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển: sản phẩm gốm Hương Canh ước đạt 27.225 sản phẩm, tăng 10% so với cùng kỳ; mộc dân dụng ước đạt 27.500 m3 gỗ thành phẩm, bằng 100% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả và có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như: Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty Cổ phần thép Việt - Đức, Tập đoàn Prime Group, Công ty Cổ phần Japfa Comfeed, Công ty sản xuất Phanh Nissin,...

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và giao thương. Huyện Bình Xuyên đã hoàn thành một số dự án giao thông đối nội, đối ngoại và một số công trình sau: Đường Tôn Đức Thắng (Vĩnh Yên – Hương Sơn); Đường Nguyễn Tất Thành kéo dài (Phúc Yên - Bá Hiến- Thiện Kế); Đường nội thị thị trấn Hương Canh; Đường Hương Canh - Tân phong; Cải tạo, nâng cấp đường 302 A và B, Đường 310; Sân vận động huyện; Trường THPT Nguyễn Duy Thì tại xã Bá Hiến; Trường THCS Nguyễn Duy Thì, thị trấn Thanh Lãng.

Hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2018

Tính theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 62.652,1 tỷ đồng, tăng 21,95% so với cùng kỳ (trong đó: Công nghiệp - Xây dựng ước đạt 59.251,7 tỷ đồng, tăng 23,02%; Nông - Lâm nghiệp - Thuỷ sản đạt 1.124,78 tỷ đồng, tăng 2,12%; Dịch vụ đạt 2.275,62 tỷ đồng, tăng 7,89% so với cùng kỳ). Tính theo giá hiện hành ước đạt 72.686,64 tỷ đồng, tăng 26,07% so với cùng kỳ, đạt 135% kế hoạch (trong đó: Công nghiệp - Xây dựng đạt 68.027,32 tỷ đồng, tăng 27,43%, đạt 137,8% kế hoạch; Nông - Lâm nghiệp - Thuỷ sản đạt 1.526,3 tỷ đồng, tăng 5,63%, đạt 100,7% kế hoạch; Dịch vụ đạt 3.133,02 tỷ đồng, tăng 10,85% so với cùng kỳ, đạt 104,8% kế hoạch). Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 45.212,2 tấn, tăng 2,77% so với cùng kỳ, đạt 110% kế hoạch.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.586.095 triệu đồng, đạt 172,3% kế hoạch, tăng 20,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ước thực hiện 827.235 triệu đồng, đạt 129,8% kế hoạch, giảm 21,5% so với cùng kỳ.

Các chỉ tiêu như: Gia đình văn hóa đạt 87,3% (tăng 0,3% so với cùng kỳ, đạt 99,2% kế hoạch); Làng văn hóa 88% (giảm 5,4% so với cùng kỳ, đạt 93,6% kế hoạch); Đơn vị văn hóa 71% (tăng 4,4% so với cùng kỳ, đạt 101,4% kế hoạch). Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 1,15% (giảm 0,99% so với cùng kỳ). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều còn 1,9% (giảm 0,2% so với cùng kỳ, giảm 0,14% so với kế hoạch). Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 99% (tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 101% kế hoạch). Số lao động được giải quyết việc làm: 2.550 lao động, đạt 100% kế hoạch (giảm 0,96% so với cùng kỳ). Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi là 8% (giảm 0,01% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch). Công tác tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu giao. Chính quyền cơ sở vững mạnh đạt 12 xã, thị trấn.

Với những thành tích đã đạt được trong các thời kỳ cách mạng, huyện Bình Xuyên và 8 xã đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược”. Trong thời kỳ đổi mới, huyện Bình Xuyên được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (năm 2002), Bằng khen (năm 2018); Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2004), Huân chương Lao động hạng Hai (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2013); Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua cho Đảng bộ huyện (năm 2012). Đặc biệt năm 2015, huyện Bình Xuyên là huyện thứ 2 trong tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

Thành Tâm
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: