Sự kiện hot
3 năm trước

Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang: Mùa xuân mới...

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, bức tranh nông thôn huyện vùng cao Lâm Bình (Tuyên Quang) đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây ngày càng được nâng cao…

Toàn cảnh khu trung tâm huyện Lâm Bình

Toàn cảnh khu trung tâm huyện Lâm Bình

Lâm Bình trong ký ức

Lâm Bình là huyện vùng cao, vùng sâu, xa của tỉnh Tuyên Quang, được thành lập ngày 26/02/2011 sau khi chia tách địa giới hành chính hai huyện Na Hang và Chiêm Hóa để thành lập huyện Lâm Bình theo Nghị quyết 07 của Thủ tướng Chính phủ, trung tâm huyện được đặt tại xã Lăng Can với trên 10 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ ở 75 thôn, bản và trên 30.000 nhân khẩu.

Ngay từ những ngày đầu khi huyện mới được thành lập, mặc dù là địa phương miền núi có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trải qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Lâm Bình đã đạt được những thành quả to lớn, đánh dấu bước tiến vượt bậc và ấn tượng.

Còn nhớ, khi mới bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Lâm Bình gặp vô vàn khó khăn: xuất phát điểm thấp, bình quân số tiêu chí đạt 3,5 tiêu chí/xã; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, yếu kém và thiếu đồng bộ, việc huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng thấp do huyện chưa chủ động được nguồn kinh phí; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (71,16%), thu nhập thấp khoảng 8,5 triệu đồng/người/năm; lực lượng lao động dồi dào nhưng chưa qua đào tạo, chủ yếu là lao động phổ thông, còn chịu ảnh hưởng những tập tục canh tác sản xuất nhỏ, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Thế nhưng tất cả đã lùi vào quá khứ, nhân dân các dân tộc của huyện Lâm Bình giờ đây lưu giữ trong trí nhớ để kể lại giáo dục thế hệ con cháu biết về một thời lam lũ khổ cực, từ đó có thêm động lực mà học tập, lao động và trân trọng, biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã giúp cho Lâm Bình hôm nay mang diện mạo mới, sức sống mới.

Bởi trong lúc đối diện với nhiều những khó khăn như vậy, huyện Lâm Bình đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự hướng dẫn, phối hợp của các Sở, ban, ngành của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như hỗ trợ cho huyện còn khó khăn như Lâm Bình. Đồng thời ưu tiên, bố trí nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp Chương trình xây dựng nông thôn mới cho huyện Lâm Bình với tỷ lệ cao hơn so với các huyện khác. Giai đoạn 2011-2019 đã bố trí 88,6 tỷ đồng, chiếm 10,38% tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ, trong khi tỷ lệ số xã là 8/129, chiếm 6,2%. Ngân sách tỉnh cũng đã đầu tư trên 50 tỷ cho huyện Lâm Bình để triển khai xây dựng nông thôn mới.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình xác định thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển toàn diện. Vì vậy, để triển khai thực hiện, huyện đã ban hành Chương trình hành động, chỉ đạo các xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, bộ máy chỉ đạo, điều hành từ huyện đến xã, thôn bản được thành lập, kiện toàn. Đồng thời tích cực thông tin, tuyên truyền để mọi tầng lớp và người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó ý thức và tự giác tham gia.

Khoác lên màu áo mới

Với sự cố gắng và quyết tâm cao độ, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, huyện Lâm Bình đã có 3 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can đạt chuẩn NTM; các xã Thổ Bình, Bình An, Hồng Quang đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Trong đó kiên cố hóa được trên 191 km đường giao thông nông thôn; huy động nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp 45 công trình đập đầu mối, kiên cố hóa trên 84 km kênh mương. Đầu tư xây dựng 6 công trình hạ tầng lưới điện, nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 93%, tăng gần 24% so với năm 2011; vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng 5 nhà văn hóa xã, 44 nhà văn hóa thôn bản, cải tạo nâng cấp 3 sân thể thao xã, 6 sân thể thao thôn, xây dựng công trình trụ sở UBND các xã.

Đến nay toàn huyện có 5/8 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định đạt gần 70%, tổ chức mở 54 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 38%, tăng hơn 14% so với năm 2011. Thực hiện 152 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm cho trên 2.000 người đi lao động tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, 47 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 19 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 67,13% năm 2011 xuống còn 40,19% năm 2018, giảm 26,9% so với năm 2011, bình quân hàng năm giảm 3,4%/năm.

Chương trình, sự nghiệp giáo dục và đào tạo được từng bước phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng giáo dục các bậc học được nâng lên; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và được duy trì và giữ vững; 12/24 trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 97%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn dưới 23%.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục lan tỏa sâu rộng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa cộng đồng được chú trọng, chất lượng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa từng bước được nâng lên, đời sống tinh thần cho người dân nông thôn được cải thiện.

Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng, tạo sự chuyến biến tích cực trong nhận thức và cách làm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều nội dung phù hợp, sát với thực tế và tạo được sự chuyển biến nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó hưởng ứng tham gia hiến đất, góp kinh phí, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản…

Nghị quyết Đại hội Đại biểu của Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định rõ; để nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Huyện tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, nhằm thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm; thực hiện lồng ghép các chương trình, du lịch và bản sắc văn hóa dân tộc và dự án hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển và thực hiện những tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn. Từ những “trái ngọt” và giá trị Nông thôn mới mang lại, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện miền núi Lâm Bình đã trở thành phong trào rộng khắp và tạo nên sức mạnh, sự đoàn kết cũng như tính chủ động trong xây dựng Nông thôn mới của người dân.

Có thể thấy, Lâm Bình đã vươn mình với diện mạo ngày một khởi sắc. Năm Canh Tý 2020 khép lại nhưng là nền tảng để mở ra một hướng đi mới hứa hẹn nhiều niềm vui. Một năm mà phía trước có rất nhiều dự định cần có sự đoàn kết cộng đồng trách nhiệm của nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: