Sự kiện hot
4 năm trước

Huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ: Hàng loạt bãi tập kết VLXD có dấu hiệu hoạt động không phép?

Hàng loạt các điểm tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) cát, sỏi và bãi tập kết sản xuất dăm gỗ chạy dọc theo hệ thống hành lang sông Đà, từ xã Xuân Lộc đến xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có dấu hiệu không được cấp phép nhưng đang hoạt động rầm rộ, lấn chiếm hàng lang thoát lũ, hành lang đê điều, gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều năm nay, dọc theo tuyến sông Đà thuộc địa bàn của (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) mọc lên hàng loạt trạm trộn bê tông thương phẩm và bến bãi tập kết, cát sỏi, vật liệu xây dựng (VLXD) có dấu hiệu hoạt động không phép lấn chiếm đê điều, hành lang thoát lũ và gây ô nhiễm. Nhưng đến nay, chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Bến bãi tập kết VLXD cạnh khu dân cư và chân cầu Đồng Quan tại xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ)
Bến bãi tập kết VLXD cạnh khu dân cư và chân cầu Đồng Quan tại xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ)

Theo người dân địa phương, việc nhiều bãi tập kết VLXD chạy dọc hệ thống đê điều sông Đà đang được hoạt động nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường và vi phạm hành lang đê điều, hàng lang thoát lũ của sông Đà. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không có đầy đủ giấy tờ pháp lý nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, phá nát đường giao thông, chính quyền không kiểm tra, xử lý dứt điểm.

Theo nghi nhận của phóng viên, dọc theo hệ thống sông Đà từ xã Xuân Lộc, Thạch Đồng, Tân Phương, Đồng Trung, Tu Vũ có khoảng hơn 10 bãi tập kết VLXD và khoảng 2 - 3 bãi sản xuất dăm gỗ tập trung chủ yếu ở xã Tu Vũ.

Cụ thể, nhiều bãi tập kết VLXD chủ yếu hoạt động trên đất nông nghiệp, giáp với hệ thống hành lang đê điều, hành lang thoát lũ của hệ thống sông Đà, những bãi tập kết hoạt động một cách rầm rộ gây ra ô nhiễm môi trường…

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Hoàn - Phó Chủ tịch xã Đồng Trung cho biết: “Xã thuộc Đồng Luận trước kia, nay đã sáp nhập về xã Đồng Trung, bãi bến tập kết VLXD cạnh cầu Đồng Quan là của ông Hồng. Về mặt thủ tục đất đai, cấp phép thì đầy đủ với diện tích gần 9 nghìn m2 kể cả hành lang. Giờ ông Hồng cho Công ty Cát Phú thuê làm bãi dăm gỗ hoạt động. Về hồ sơ doanh nghiệp bến bãi này UBND xã không có lưu trữ gì hết”.

Bãi tập kết VLXD xã Trung Nghĩa (cũ) nay thuộc xã Đồng Trung được xác nhận là không có giấy phép hoạt động
Bãi tập kết VLXD xã Trung Nghĩa (cũ) nay thuộc xã Đồng Trung được xác nhận là không có giấy phép hoạt động

Trong khi đó, ông Bùi Văn Đông - Chủ tịch xã Tu Vũ chia sẻ: “Đối với các bến bãi tập kết VLXD và bãi sản xuất dăm gỗ thì có một số bãi có phép và một số bến bãi chưa có phép. Tôi cũng mới về đây nhận nhiệm vụ xã này, trước tôi làm Chủ tịch xã Phượng Mao, nên tôi cũng chưa nắm rõ hết tình hình ở đây”.

Ông Nguyễn Anh Tùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Thủy cho biết: “Chạy dọc từ xã Xuân Lộc, Tân Phương, Thạch Đồng, Đồng Trung,… một số bến bãi đã có cấp phép đầy đủ, có quan trắc và đánh giá tác động môi trường. Nhưng vẫn còn 1 số bến bãi tập kết VLXD như ở đối diện Công ty giày da thuộc xã Trung Nghĩa cũ nay là xã Đồng Trung và một số bến bãi thuộc xã Tu Vũ vẫn chưa có giấy phép, doanh nghiệp cũng đang đề xuất xin giấy phép hoạt động”.

Phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến các hoạt động cấp phép về các điểm tập kết VLXD, tuy nhiên, ông Tùng từ chối cung cấp và hứa cung cấp sau.

Như vậy, có thể thấy những phản ánh của người dân về tình trạng bến bãi tập kết VLXD, bãi sản xuất dăm gỗ lấn chiếm đê điều và hành lang thoát lũ sông Đà là có cơ sở. Không những vậy, việc để tồn tại những điểm tập kết VLXD nằm sát chân đê còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê sông Đà trong mùa mưa lũ.

Đứng trước thực trạng trên, câu hỏi đang được dư luận đặt ra, các cơ quan chức năng, ban ngành của UBND tỉnh Phú Thọ, mà trực tiếp là các phòng ban chuyên môn của huyện Thanh Thủy, xã Đồng Trung, xã Tu Vũ… đang ở đâu khi tình trạng bến bãi tập kết VLXD, trạm trộn bê tông ngang nhiên vi phạm Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, xe trọng tải lớn gây mất an toàn giao thông, tra tấn người dân nhiều năm như vậy mà không vào cuộc xử lý?

Hơn bao giờ hết, người dân mong muốn UBND tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Thanh Thủy sớm vào cuộc kiểm tra, xử lí những vi phạm đang tồn tại hàng loạt các bãi tập kết VLXD, bãi sản xuất dăm gỗ đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân đã “buông lỏng” quản lý khi để xảy ra sai phạm.

Báo Đời sống và Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!

Phi Long
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: