Trước nhu cầu về nước sạch sinh hoạt ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang trở nên cấp bách, nhiều cá nhân, tổ chức tiến hành xây dựng các nhà máy nước mini để cung cấp nước cho người dân địa phương. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra liệu chất lượng nước có đảm bảo?
Những năm gần đây, ở nông thôn, có một thực tế mà người dân ai cũng biết là tình trạng môi trường, nguồn nước đang dần bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, sinh hoạt hàng ngày đã phát sinh lượng chất thải, nước thải rất lớn nhưng chưa được thu gom, xử triệt để.
Xuất phát từ thực tế đó, nhiều hộ dân ở các xã của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chuyển sang dùng nước sinh hoạt do các nhà máy nước mini cung cấp thay cho nguồn nước người dân vẫn tự khai thác, sử dụng như: nước mưa, nước dưới lòng đất hoặc nước từ ao, hồ.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo có khoảng hơn 20 nhà máy mini chuyên cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, nằm rải rác tại các xã như: An Hòa, Hưng Nhân, Thanh Lương, Lý Học, Dũng Tiến, Trung lập, Vĩnh Long, Đồng Minh, Hùng Tiến... Mỗi nhà máy có công suất trung bình khoảng 600m3/ngày, tổng công suất các nhà máy mini ước tính 12000m3 nước mỗi ngày. Mức giá từ 7.000đ/m3 nước, đã được UBND huyện Vĩnh Bảo phê duyệt.
Theo người dân phản ánh, từ khi dùng nước sinh hoạt do một số nhà máy nước mini cung cấp đến nay thường xuyên xảy ra tình trạng cấp nước không đều, lúc có lúc mất, đặc biệt là chất lượng nguồn nước không đảm bảo khiến người dân lo lắng, trong khi giá nước lại không hề rẻ so với tình hình kinh tế ở nông thôn. Điều đáng nói, người dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh đến chính quyền địa phương và đơn vị cung cấp nước nhưng chưa được quan tâm, giải quyết.
Nhà máy nước mini tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo
Chị Nguyễn Thị Thu (trú tại thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh) cho biết: "Gia đình tôi sử dụng nước sinh hoạt do nhà máy cung cấp được hơn 2 năm nhưng chất lượng không được ổn định, nước có mùi clo rất nồng nặc và có váng màu đen trên bề mặt. Người dân ở đây phải dùng thêm các thiết bị, máy lọc hoặc thông qua hệ thống bể lắng để làm sạch nước, sau đó mới sử dụng được".
Còn người dân thôn Đại Nỗ 2 (xã Hùng Tiến) thì tỏ ra bức xúc và cho rằng, nước sinh hoạt họ đang sử dụng do Công ty CP Công nghệ Toàn Thắng cung cấp không đảm bảo chất lượng, nước có cặn đen. Người dân phải xả nước ra chậu để cho lắng cặn mới sử dụng được và chỉ dùng để rửa, tắm giặt chứ không dám ăn.
Ông Nguyễn Văn Tý, người sử dụng nước của HTX nước sạch An Hòa được gần mười năm cũng rất bức xúc khi nói về chất lượng nước sinh hoạt vì nước thường có màu vàng đục như nước sông, lúc thì trắng như nước gạo và có mùi tanh nồng.
Theo quan sát, nguồn nước đầu vào của các nhà máy nước mini được lấy từ các con sông, kênh xung quanh. Tuy nhiên, nguồn nước này liệu có đảm bảo khi mà rác thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi và tàn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn tồn đọng tại các con sông, dòng kênh. Đáng chú ý, một số nhà máy lấy nguồn nước từ những con kênh mà xung quanh là nghĩa địa, trang trại chăn nuôi lợn, vịt như: Nhà máy nước tại thôn Áng Dương (xã Trung Lập), thôn An Đồng (xã An Hòa)… và hầu hết các nhà máy mước mini có hệ thống xử lý nước khá đơn giản, bể lắng xây dựng lộ thiên, không được che chắn, vệ sinh thường xuyên.
Hệ thống xử lý nước của HTX nước sạch An Hòa
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Huỳnh, Kỹ thuật viên vận hành nhà máy nước của Công ty CP Công nghệ Toàn Thắng cho biết: "Về quy trình sản xuất, nước được bơm lên bể chứa, rồi qua bể lọc có sử dụng than hoạt tính, sau đó dùng Clo để làm sạch nước kết hợp Javen dùng để tạo mùi nước máy".
Ông Lương Văn Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Quang Sáng cho biết: "Công ty cung cấp nước cho khoảng 2.800 hộ dân trên địa bàn 4 xã Giang Biên, Dũng Tiến, Trung Lập và Việt Tiến. Mẫu nước của công ty đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống - QCVN 01/2009/BYT".
Về quy trình xử lý nước, ông Nguyễn Văn Minh - Cổ đông HTX nước sạch An Hòa khẳng định: "Nước được bơm lên bể rồi thực hiện lọc 5 lần, sau đó đưa ra bể lắng xử lý bằng Clo. Nước sinh hoạt do HTX cung cấp đã được Phòng TN&MT huyện Vĩnh Bảo thông báo đạt tiêu chuẩn sau khi tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm".
Tìm hiểu vấn đề người dân phản ánh, phóng viên đã nhiều lần liên hệ ông Vũ Xuân Quang, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo và ông Quang cho biết liên hệ với Trưởng phòng NN&PTNT huyện. Sau nhiều lần liên hệ, phóng viên kết nối được với ông Nguyễn Văn Đàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Bảo nhưng ông Đàn cáo bận và cho biết, phóng viên làm việc với ông Lộc (cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Bảo). Tuy nhiên, khi phóng viên đến gặp ông Lộc thì ông này trả lời rằng không có tư cách phát ngôn, không nhận được chỉ đạo làm việc.
Như vậy, những kiến nghị, phản ánh của người dân về chất lượng nước sinh hoạt trong thời gian qua chưa được làm sáng tỏ từ góc độ của các cơ quan quản lý tại địa phương. Trước nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân đang rất cấp thiết, trong khi một huyện có đến hàng chục nhà máy nước mini nhưng liệu chất lượng nguồn nước có thực sự đảm bảo để người dân tin tưởng và tiếp tục sử dụng hay không? Các cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm tra, giám sát và xử lý kiến nghị, phản ánh của người dân theo quy định.
Mai Phương
Theo Công lý