Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Imexpharm (IMP): Nhà máy IMP4 đạt chuẩn EU-GMP tạo sức bật tăng trưởng trong tương lai

Theo PHS, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP – sàn HOSE) là một trong số 3 doanh nghiệp có giá trị trúng thầu cao nhất trong mảng kháng sinh ở nhóm 2 nhờ các nhà máy và dây chuyền kháng sinh mới đạt chuẩn EU-GMP đi vào hoạt động.

Nhà máy Dược công nghệ cao tại Bình Dương (IMP4) của Imexpharm. (Nguồn: IMP).

Nhà máy Dược công nghệ cao tại Bình Dương (IMP4) của Imexpharm. (Nguồn: IMP).

Trong báo cáo cập nhật mới đây đối với Dược phẩm Imexpharm (IMP), Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, nhà máy IMP4 là nhà máy được đầu tư lớn nhất với vốn đầu tư 470 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành xét duyệt trong năm 2022, sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho doanh thu thuốc ETC, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào mảng đấu thầu thuốc Nhóm 1, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh của IMP trước sự gia nhập ngày càng mạnh mẽ của thuốc ngoại vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, IMP cũng nâng cao lợi thế cạnh tranh so với đối thủ nhờ các sản phẩm có giá thầu rẻ.

Kiểm soát nguyên vật liệu nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt do dịch Covid-19. IMP chỉ nhập khoảng 25% giá trị nguyên liệu từ Trung Quốc. Ngoài ra, công ty có chính sách dự trữ nguyên liệu sản xuất và thời gian dữ trữ nguyên liệu hợp lý từ 3-6 tháng, do đó công ty có sức đề kháng cao trước biến động nguồn nguyên liệu, góp phần giảm thiểu rủi ro và ổn định biên lợi nhuận.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết: “Do nhu cầu thuốc ETC chưa phục hồi như kỳ vọng trong 4 tháng đầu năm 2022, chúng tôi điều chỉnh giảm doanh thu của IMP năm 2022 còn 1.515 tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng (tăng 22%)”.

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, chúng tôi điều chỉnh giảm mức giá hợp lý cho cổ phiếu IMP còn 70.200 đồng/cổ phiếu (tăng 13,4% so với giá hiện tại). Từ đó, đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này nhờ (1) kỳ vọng sự phục hồi kênh ETC trong nửa cuối năm 2022; (2) IMP sẽ hoàn thành xét duyệt nhà máy IMP4 vào cuối quý III/2022.

Được biết, hoạt động sản xuất và nhu cầu dần phục hồi sau đại dịch đã tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của IMP trong 4M 2022. Doanh thu của IMP tăng trưởng 3.7% so với cùng kỳ năm trước lên 421.5 tỷ đồng, trong khi Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 10.9% lên 84.5 tỷ đồng.

Trong các tháng đầu năm, nhu cầu khám chữa bệnh chưa phục hồi hoàn toàn. Do đó, doanh thu kênh ETC của IMP giảm 39%, ước đạt 71 tỷ đồng, đóng góp 16.8% vào Doanh thu thuần. Trong khi doanh thu kênh OTC ước đạt 350.7 tỷ đồng, đóng góp 83% vào Doanh thu thuần.

Lũy kế 4M 2022, biên lợi nhuận gộp của IMP cải thiện lên mức 44.4% từ mức 38.5% của năm 2021, với lợi nhuận gộp tăng 15% lên 142.6 tỷ đồng nhờ (1) hoạt động sản xuất được giữ liên tục, không phải thực hiện “3-tại chỗ” như trong năm 2021; (2) chính sách dự trữ nguyên vật liệu nhờ nguồn vốn vay 8 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), và (3) chiến lược cơ cấu lại danh mục sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và biên lợi nhuận cao.

Nhật Minh

Theo KTĐU

Từ khóa: