Những món quà bình dị, thân thương được làm thủ công dần lép vế trước các loại kẹo nhập khẩu, kẹo sản xuất hàng loạt. Bỗng một ngày ta bắt gặp chiếc kẹo mầm ngọt ngon khiến ta không thể không thưởng thức.
Kẹo mầm chẳng phải món quà cao sang nhưng nó mang trong mình hương vị tinh tú của đất trời mà bất kể người nào khi thưởng thức một lần là nhớ mãi. Nguyên liệu làm kẹo mầm không cầu kỳ hay khó kiếm tìm, mà chỉ là những nguyên liệu sẵn có của làng quê Việt Nam: mầm thóc, cây mạ. Thế nhưng công đoạn làm kẹo mầm lại vô cùng vất vả và cần sự tập trung cao độ nếu không kẹo sẽ bị hỏng.
Nồi kẹo mầm màu vàng ong thơm ngon.
Đầu tiên, phải có nguyên liệu là thóc nếp đã được ủ nảy mầm dài bằng ngón tay. Tiếp đó, đem nấu một nồi cháo gạo nếp loãng thật nhuyễn rồi đổ nguyên liệu mầm thóc trên vào nấu tiếp. Khi nấu phải quậy thật đều tay để kẹo không bị bén dưới đáy nồi. Bao giờ cháo, mầm thóc và thóc quyện vào nhau thành nước sền sệt thì đem lọc (lọc 2 lần).
Nước kẹo mầm sau khi lọc có màu vàng mơ trong. Đem nước này cô lại sẽ thành kẹo mầm. Tuy nhiên, khi đun, cần đun nhỏ lửa và quậy đều tay. Đây là khâu quan trọng nhất trong quy trình làm kẹo mầm. Đun đến khi nào nước kẹo chuyển sang màu vàng như mật ong thì để nguội là thành kẹo mầm.
“Bánh” kẹo mầm - một kết hợp mới của kẹo mầm.
Kẹo mầm có mùi thơm rất đặc biệt: mùi thơm ngọt mát ở đầu lưỡi. Khi ăn, người ta dùng những chiếc que nhỏ để lấy kẹo. Dùng hai chiếc đũa để lấy kẹo, khi kéo ra và quấn nhiều vòng, kẹo có màu trắng tinh vô cùng hấp dẫn.
Không chỉ quấn vào que tre mà kẹo mầm còn được “biến” thể thành “bánh” kẹo mầm. Đó là việc người ta trải kẻo mầm lên mặt vỏ bánh làm bằng ốc quế sau đó rắc thêm lạc, dừa là thành. Đây là kết hợp mới của kẹo mầm do người bán hàng tạo ra. Thế nhưng điều đáng nói là cái món quà dân dã ấy đâu còn nhiều. Để rồi khi chợt bắt gặp hình ảnh một người bán kẹo mầm ở đâu đó, những người đã từng thưởng thức kẹo mầm không thể không thưởng thức cái món quà bình dị ấy.
Hồng Mây
Theo Lao dong