Sự kiện hot
4 năm trước

Khắc phục hậu quả trong “đại án” 188 ha đất tại Bình Dương ra sao?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của một số tổ chức đảng và đảng viên ở tỉnh Bình Dương.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản tại Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2), gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong các vụ án tham nhũng, gây thất thoát tài sản công thời gian qua, nhiều ngàn tỷ đồng, nhiều tài sản công đã được cơ quan tố tụng thu hồi. AVG hủy bỏ giao dịch mua bán cổ phần, trả lại tiền cho Mobilphone. Trong vụ án Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 323.287 m2 đất tại TP.HCM, Công ty Quốc Cường Gia Lai hủy hợp đồng, trả lại đất cho Công ty Tân Thuận.

Trong vụ án khu đất “vàng” số 8 – 12 Lê Duẩn, TP.HCM, Tòa quyết định thu hồi lại khu đất có giá trị hàng ngàn tỷ đồng trả cho Nhà nước, trả lại tiền cho các cổ đông góp vốn, riêng vốn của Công ty Hoa Tháng Năm thì bị tịch thu do liên quan đến hành vi phạm tội….

Từ vụ án Sadeco: thiệt hại thực phải tính theo giá thị trường

Sadeco là công ty con của Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Theo quy định khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco thì phải định giá, đấu giá. Tuy nhiên, IPC và Sadeco đã đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không qua định giá, đấu giá, gây thiệt hại cho cổ đông nhà nước (IPC, Văn phòng Thành ủy...).

Sau khi có Kết luận điều tra, Viện kiểm sát đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu xác định giá trị cổ phần của Công ty SADECO tại thời điểm bán 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim để xác định chính xác thiệt hại, tài sản Nhà nước bị thất thoát.

Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự kết luận tại thời điểm tháng 1/2017, giá trị 1 cổ phần Sadeco là 162.571 đồng, chưa tính đến phần giá trị tài sản vô hình (thương hiệu và lợi thế thương mại). So với giá cổ phần mà Công ty Nguyễn Kim mua (40.000 đồng/CP), thiệt hại của Sadeco trong việc bán 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim là 1.103 tỉ đồng, trong đó, thiệt hại cho vốn của UBND TP.HCM là 485 tỉ đồng, vốn của Thành ủy TP.HCM là 184 tỉ đồng, các cổ đông khác là 433 tỉ đồng.

Sadeco và Công ty Nguyễn Kim hủy hợp đồng, Sadeco thu hồi 9 triệu cổ phần đã phát hành cho Công ty Nguyễn Kim. Theo Cơ quan điều tra, đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ do đã khắc phục thiệt hại, không loại trừ trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội đã hoàn thành. Ông Tất Thành Cang (Phó Bí thư thành ủy TP.HCM), ông Tề Trí Dũng (Tổng giám đốc IPC) và nhiều cá nhân khác đã bị đề nghị truy tố trong vụ án này.

Đến vụ án 188 ha đất tại Bình Dương

Liên quan đến vụ án 188 ha đất tại Tổng công ty 3-2, Bình Dương, 145 ha dự án sân golf Thái Hòa và 43ha dự án khu đô thị Tân Phú, Cơ quan điều tra đã khởi tố 14 bị can. Bộ chính trị đã có kết luận về việc kỷ luật Đảng với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Có một số thông tin nêu các bên liên quan đã nộp tiền khắc phục hậu quả, xin nhượng lại phần vốn góp cho Nhà nước.

Công ty Tân Thành là chủ đầu tư dự án 145 ha sân golf Thái Hòa, khu đất này nguồn gốc là của Tổng công ty 3-2. Do các sai phạm trong góp vốn liên doanh, chuyển nhượng vốn, Tổng công ty 3-2 và hai cổ đông còn lại của Công ty Tân Thành là Công ty cổ phần Hưng Vượng, Công ty TNHH Phát Triển đã đề nghị chuyển nhượng lại cổ phần cổ phần tại Công ty Tân Thành cho doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương (100% vốn thuộc Tỉnh ủy). Giá chuyển nhượng theo giá trị sổ sách của khoản đầu tư. Nếu giao dịch này được thực hiện, doanh nghiệp thuộc tỉnh ủy Bình Dương sẽ nhận lại Công ty Tân Thành, chủ đầu tư của dự án sân golf 145ha và đây cũng chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ cho các cá nhân sai phạm.

Về khu đất “vàng” 43ha Khu đô thị Tân Phú, tổng số tiền Tổng công ty 3-2 thu về qua chuyển nhượng đất và vốn góp Công ty Tân Phú là 351 tỷ đồng. Riêng tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 250 tỷ đồng, thấp hơn bảng giá đất của UBND tỉnh quy định. Sau khi sở hữu 100%, Công ty Âu Lạc bán toàn bộ vốn góp Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh chỉ với giá hơn 350 tỷ đồng. Chỉ dùng một phần nhỏ diện tích Dự án này để nhận tiền góp vốn, Công ty Kim Oanh đã thu về hơn 400 tỷ đồng (chỉ tính số tiền chuyển khoản qua ngân hàng).

Nếu tính theo đơn giá do Nhà nước quy định năm 2016, thì 43 ha đất có giá hơn 375 tỷ đồng, cao hơn 125 tỷ so với giá đất mà Tổng công ty 3-2 bán cho Công ty Tân Phú. Có lẽ vì chi tiết này, cuối năm 2019, Tổng công ty 3-2 nộp về tài khoản phong tỏa của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương hơn 125,6 tỉ đồng. Tháng 4/2020, Công ty Âu Lạc (thông qua Tổng công ty 3-2) đã nộp 126,8 tỉ đồng cho Cơ quan điều tra nhằm khắc phục hậu quả. Khắc phục hậu quả này là theo giá Nhà nước quy định. Thực chất, không thể xác định thiệt hại theo giá Nhà nước. Nếu Tổng công ty 3-2 vẫn còn vốn góp của Nhà nước, thì không thể dùng tiền của Nhà nước để khắc phục thiệt hại cho Nhà nước. Bên cạnh đó, không có thông tin nào từ Công ty Kim Oanh về việc sẽ hoàn trả lại toàn bộ cổ phần Công ty Tân Phú hoặc hoàn trả khu đất cho Nhà nước.

Đất của Nhà nước, vốn góp của Nhà nước khi chuyển nhượng phải thông qua định giá, đấu giá chứ không thể xác định theo bảng giá đất của Nhà nước. Với giá đất thị trường hàng chục triệu đồng/m2 thì giá trị thực của khu đất 43 ha lên đến hàng ngàn tỷ đồng, chứ không phải hơn 375 tỷ đồng. Để xác định đúng thiệt hại của vụ án, cần định giá khu đất 43 ha theo giá thị trường, tương tự như vụ án Sadeco nêu trên.

Bản chất vụ án là 43 ha đất, tài sản công đã bị phù phép chuyển sang cho tư nhân, đích cuối cùng là Công ty Kim Oanh. Biện pháp khắc phục hậu quả triệt để nhất là thu hồi lại khu đất. Các cá nhân sai phạm tiếp tục chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh. Không thể chấp nhận việc nộp tiền chênh lệch so với giá Nhà nước quy định để khắc phục hậu quả mà bỏ qua việc thu hồi lại khu đất.

Cũng không thể bỏ qua các dấu hiệu sai phạm của Công ty Kim Oanh khi động thổ, huy động vốn của khách hàng liên quan đến dự án Khu đô thị Tân Phú khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy phép xây dựng, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để mở bán. Công ty Kim Oanh phải tự chịu trách nhiệm về các sai phạm của mình, với những nhà đầu tư. Không thể dùng quyền lợi của các nhà đầu tư để gây khó khăn cho quá trình thu hồi đất.

Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa Tổng công ty 3-2 với Công ty Tân Phú vô hiệu do vi phạm pháp luật. Công ty Kim Oanh nhận chuyển nhượng vốn góp Công ty Tân Phú thì phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Công ty Tân Phú. Việc Công ty Kim Oanh nhận chuyển nhượng phần vốn góp không làm thay đổi nghĩa vụ của Công ty Tân Phú.

Tháng 9/2017, Công ty Kim Oanh mua toàn bộ Công ty Tân Phú với 43 ha đất từ Công ty Âu Lạc chỉ với giá 350 tỷ đồng, thấp hơn cả mức giá đất theo bảng giá của Nhà nước vào năm 2016, thấp hơn cả số tiền Công ty Âu Lạc phải bỏ ra để sở hữu toàn bộ Công ty Tân Phú với 43 ha đất. Đằng sau điều vô lý, bất bình thường này là gì, mối quan hệ lợi ích ngoài Hợp đồng chuyển nhượng chính thức là gì, Công ty Kim Oanh có liên quan gì đến các sai phạm trong vụ án, đây là điều dư luận mong muốn các cơ quan tố tụng sẽ làm rõ.

PV

Theo Ngày nay

Từ khóa: