Tin những lời tư vấn về công dụng của sản phẩm giảm cân Hồng Ân, người mẹ trẻ mua dùng với hy vọng giảm được cân mà không ảnh hưởng đến việc cho con bú. Nhưng một tuần sau khi sử dụng, khách hàng có biểu hiện suy nhược, tiêu chảy, ảnh hưởng đến em bé…
Suy nhược cơ thể khi giảm cân
Phản ánh đến Báo Đời sống & Tiêu dùng, chị Minh Diệu (25 tuổi, khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau gần 1 năm sinh con, bản thân mong muốn áp dụng biện pháp giảm cân nhưng không ảnh hưởng đến việc cho con bú, chị đã tìm hiểu những sản phẩm hỗ trợ giảm cân có thành phần từ thảo dược thiên nhiên. Qua các kênh quảng cáo, chị Diệu tìm mua và sử dụng sản phẩm giảm cân Hồng Ân (trên vỏ hộp ghi: Công ty TNHH TM dịch vụ và sản xuất mỹ phẩm Thúy Nga, địa chỉ số 127 ngõ Trung Tả, Khâm Thiên, phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội).
“Tìm hiểu trên các website giới thiệu sản phẩm của Công ty Thúy Nga, giảm cân Hồng Ân được ghi là thảo dược an toàn không gây tác dụng phụ, giúp cân bằng lượng mỡ trong cơ thể, đem lại vóc dáng thon gọn hơn, giúp bạn tự tin trong cuộc sống. Với các thành phần từ thảo mộc thiên nhiên, trà giảm cân Hồng Ân là giải pháp giảm cân hữu hiệu, an toàn cho cơ thể bạn, không gây đau đớn hoặc gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Khi tư vấn, người bán hàng khẳng định, uống hết gần một hộp thôi là đã có hiệu quả rồi. Trà có thể giảm cân cấp tốc trong 7 ngày giảm được 2 - 3kg”, chị Diệu cho biết, những lời quảng cáo như vậy đã khiến chị tin dùng sản phẩm này. Tuy nhiên, sau một tuần sử dụng, kết quả chị nhận được lại hoàn toàn trái ngược.
“Tôi tin tưởng đặt mua hộp trà giảm cân Hồng Ân với giá 580 ngàn đồng, nhưng sau 1 tuần sử dụng sản phẩm Hồng Ân, tôi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chân tay bủn rủn, chán ăn, ăn không có cảm giác ngon miệng, cứ nôn thốc nôn tháo sau khi ăn. Tôi thường xuyên ra mồ hôi trộm, mồ hôi ra rất nhiều dù chỉ ngồi một chỗ. Tôi đi vệ sinh rất nhiều, kiểu như tháo dạ. Vì không chỉ mình tôi đi tháo dạ nhiều lần mà con tôi cũng bị tiêu chảy, có biểu hiện mệt mỏi tương tự như mẹ. Trong khi đó, nhân viên bán hàng khẳng định với tôi là không ảnh hưởng đến việc cho con bú”, chị Diệu kể lại.
Một khách hàng khác là chị Lê H. (trú tại Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết: “Sau khi dùng thảo dược giảm cân Hồng Ân, tôi giảm trọng lượng rõ rệt nhưng rất yếu vì sau khi dùng thuốc tôi bị tiêu chảy cả tuần, mệt mỏi, chán ăn dẫn đến suy nhược cơ thể. Thời gian đi vệ sinh cầu quá nhiều khiến tôi không thể nhớ nổi là bao nhiêu lần bắt đầu từ ngày thứ 3 trở đi. Tôi phải nghỉ làm, không có cảm giác đói hay thèm ăn trong khi mất rất nhiều nước. Tôi luôn trong tình trạng choáng váng, môi khô, da tái nhợt. Hiện tại tôi đang phải thực hiện chế độ dinh dưỡng theo chỉ dẫn của bác sĩ dinh dưỡng để phục hồi sức khoẻ. Bác sĩ nói tôi đã uống trà giảm cân kém chất lượng”.
Giảm cân Hồng Ân không đáp ứng quy định tối thiểu về nhãn?
Theo hình ảnh sản phẩm bạn đọc cung cấp, trên nhãn sản phẩm có ghi ngày sản xuất là 05/01/2019, hạn sử dụng là 04/01/2020. Các loại thảo mộc dùng cho sản phẩm được kê đầy đủ tại mục thành phần sản phẩm như lá sen, kim ngân hoa, cúc hoa, bột nghệ đen, tiểu hoa hồng...
Tuy nhiên, các hoạt chất lại không thể hiện hàm lượng, nồng độ, dạng bào chế... Ngoài ra, trên bao bì sản phẩm không ghi tên đơn vị sản xuất, mà chỉ ghi "sản xuất tại Việt Nam", đồng thời cũng không thể hiện số đăng ký lưu hành sản phẩm.
Phía góc dưới của sản phẩm chỉ ghi là Công ty TNHH TM DV- sản xuất mỹ phẩm Thúy Nga (số 127 ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên, phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội). Đằng sau hộp cũng ghi công dụng giảm cân khá mỹ miều: “Kiểm soát cân nặng, giảm mỡ, tang cơ, cải thiện số đo vùng bụng, đùi, mỡ, bắp tay, kích sữa,lợi sữa cho con bú, thải độc gan, thận, ngăn ngừa các bệnh mãn tính như tim mạch, mỡ máu, huyết áp…
Theo Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), sản phẩm Hồng Ân được cấp giấy xác nhận số công bố 5106/2019/ĐKSP với tên gọi là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà Hồng Ân”. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, phần ghi nhãn và bán ra thị trường lại chỉ ghi là “Giảm cân Hồng Ân”.
Mặt khác, dù được quảng cáo là sản phẩm mang nhiều công dụng, nhưng nhãn mác của dòng sản phẩm giảm cân Hồng Ân đều có dấu hiệu không đáp ứng các quy định tối thiểu đối với một sản phẩm thực phẩm chức năng, như: Số công bố sản phẩm; Số chứng nhận điều kiện ATTP; Mã số, mã vạch sản phẩm; Thành phần không có định lượng cụ thể; Tên đơn vị phân phối, đơn vị sản xuất...
Trong khi đó, Thông tư số 43/2014 của Bộ Y tế về quản lý thực phẩm chức năng yêu cầu nội dung cần được công bố với sản phẩm thực phẩm chức năng gồm: Hàm lượng; khuyến cáo về sức khoẻ; đối tượng sử dụng.
Tại Điều 11 của Thông tư trên quy định sản phẩm phải ghi cụm từ: Chú ý: "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" ngay sau phần ghi nhãn về công dụng của sản phẩm hoặc cùng chỗ với các khuyến cáo khác nếu có. Thế nhưng trên nhãn sản phẩm giảm cân Hồng Ân không hề có những thông tin này.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Y dược hành nghề tư nhân, Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Một sản phẩm thực phẩm chức năng đạt “chuẩn” khi bán cho người tiêu dùng, phải đáp ứng đủ các quy định về tem nhãn tại Nghị định 43/2017 của Chính phủ về tem nhãn hàng hoá. Như nhãn sản phẩm phải có thành phần đi kèm định lượng cụ thể; công dụng; lưu ý hoặc cảnh báo người dùng; mã số, mã vạch; số lô sản xuất; ngày sản xuất, hạn sử dụng; tem chống hàng giả; đặc biệt quan trọng là số công bố sản phẩm.
Trong khi đó, Ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó ban 127 – Chống buôn lậu và gian lận thương mại TP Hà Nội cho biết: “Sản phẩm thực phẩm chức năng mà không thể hiện Số đăng ký lưu hành trên nhãn thì chắc chắn sản phẩm này chưa đủ cơ sở pháp lý để lưu hành trên thị trường. Bởi Số đăng ký lưu hành được coi là “lá bùa hộ mệnh” để chứng minh sản phẩm có đầy đủ cơ sở pháp lý. Chính vì vậy, việc thể hiện số đăng ký lưu hành trên nhãn sản phẩm cũng là cơ sở quan trọng trong hoạt động thương mại của đơn vị sản xuất, cũng như tạo niềm tin với khách hàng. Vừa là chuyên gia kinh tế, vừa là người tiêu dùng, tôi rất bức xúc về vấn đề thực phẩm chức năng. Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng. Vậy nên, tôi cho rằng, cơ quan chức năng phải nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng”.
Như vậy, vấn đề đặt ra trong sự việc này là: Sản phẩm giảm cân Hồng Ân đang được bán ra thị trường với số lượng lớn nhưng đã đáp ứng điều kiện của một thực phẩm chức năng được phép lưu hành hay chưa? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi để người tiêu dùng dùng phải sản phẩm kém chất lượng, tiền mất tật mang?
Theo ThS. BS Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sản phẩm giảm cân như trà hay thảo dược thuộc nhóm giảm cân bằng cách mất nước.
Bởi có đến 60 – 70% trọng lượng cơ thể là nước nên khi mất nước, trọng lượng cơ thể sẽ giảm đi rõ rệt. Việc mất nước (tiêu chảy) sẽ vô cùng nguy hại bởi nước có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, vận chuyển dinh dưỡng nuôi tế bào, điều hòa nhiệt độ cơ thể, thải dộc…
Chúng ta sẽ tử vong nếu mất 20% nước trên tổng trọng lượng nước trong cơ thể. Chính vì vậy, cách giảm cân này dễ đưa đến một kết cục không mấy tốt đẹp cho vóc dáng và sức khỏe, đơn giản vì không tác động trúng đích vào thủ phạm gây tăng cân là mỡ trắng.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!
Trần Thanh – Thành Tú
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng