Sự kiện hot
12 năm trước

Khám phá những món chay thanh tịnh

Dantin - Dạo qua các tuyến phố ẩm thực lớn ở Hà Nội, thực khách sẽ rất dễ dàng tìm cho mình một địa chỉ để thưởng thức các món ăn chay ấn tượng như: Cơm chay Nàng Tấm, Cơm chay Khải Tường, Cơm chay Hà Thành…

Dantin - Dạo qua các tuyến phố ẩm thực lớn ở Hà Nội, thực khách sẽ rất dễ dàng tìm cho mình một địa chỉ để thưởng thức các món ăn chay ấn tượng như: Cơm chay Nàng Tấm, Cơm chay Khải Tường, Cơm chay Hà Thành

Thú vị với ẩm thực chay

Dường như mang cái hồn của các món chay, không gian của nhà hàng chay cũng rất yên bình và thanh tịnh. Thực khách đến thưởng thức có những người ăn chay trường, có những người đến lần đầu, nhưng đa phần họ đều có một phong cách chung là nhẹ nhàng, thân thiện, chuyện trò, trao đổi như đã quen biết từ lâu.

Nói là cơm chay nhưng thực đơn các món chay cũng hết sức phong phú và hấp dẫn, đủ các món ăn của cả 3 miền cho 3 bữa ăn chính như: phở, lẩu thập cẩm, hủ tiếu, chả nướng, cơm rang thập cẩm, đùi gà xả xíu, chân giò hấp chay, gỏi cuốn…, với những hương vị rất đặc trưng, dễ ăn mà giá cả lại phải chăng như: phở 30.000 đồng/bát, bánh xèo Nam Bộ từ 25.000- 30.000đồng/suất, lẩu Thái cho 4 người khoảng từ 200 – 300.000 đồng…

Tuy nhiên, để có những món ăn chay vừa ngon vừa hấp dẫn lại đủ dinh dưỡng thì không phải ai cũng làm được. Chị Xuân, thợ nấu cỗ chay ở chợ Nam Đồng (Hà Nội) nói: “Làm đồ chay thường mất nhiều thời gian và không phải ai cũng có thể nấu được một mâm cơm chay. Chế biến món chay không mấy phức tạp nhưng đòi hỏi công phu và sự sáng tạo. Người làm mâm cỗ chay là “đánh lừa” người ăn, “đánh lừa” một cách công khai và khéo léo. Để nấu được món chay, người làm cỗ phải biết nấu các món mặn”.

Các quán cơm chay luôn đông khách, đặc biệt thu hút giới trẻ

Thường xuyên đưa gia đình đi ăn cơm chay vào các dịp cuối tuần, anh Nguyễn Anh Tuấn (đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất hay đi ăn đồ ăn tại các quán chay ở Hà Nội. Các món chay không những được trang trí đẹp mắt mà còn được đặt cho những cái tên rất mỹ miều như Phù vân thiên kim, Đại an lạc, Từ bi hỷ xả (cháo lươn, nem, gà đen rang muối - PV). Các con tôi rất thích thú khi ăn các món này”.

Bảo vệ sức khỏe và môi trường sống

Ăn chay bắt nguồn từ tôn giáo với ý nghĩa không tạo sát nghiệp, sát sinh, giúp cho tâm hồn trong sạch, hướng thiện. Những món ăn chay được chế biến từ thực vật gồm các loại rau củ quả có giá trị dinh dưỡng cao, không có chất béo, giàu vitamin, rất tốt cho sức khỏe. Ăn chay cũng là góp phần gìn giữ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của muôn loài và cũng của chính con người.

Chị Hương, chủ nhà hàng Cơm chay Hà Thành, cho biết:“Nhiều người ăn mặn không biết món chay nên thường nghĩ ăn rau, đậu là ăn chay. Nhưng thực tế ăn chay có nghĩa là không dùng các thực phẩm có thành phần động vật, bao gồm việc không dùng trứng và không dùng rượu, bia. Việc ăn chay không chỉ vì ý nghĩa tín ngưỡng, mà còn là một cách để giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tim mạch, cao huyết áp,… tăng tuổi thọ của con người”.

Chị Hương cho biết thêm: Ăn chay không chỉ giúp thay đổi khẩu vị, dễ tiêu hóa mà còn là cách giáo dục con cháu hướng đến điều thiện, không sát sinh, cũng như để bảo vệ môi trường. Ăn đồ chay thường không ngán nên ăn nhiều cũng không sợ béo. Vừa dễ ăn lại vừa có tác dụng như thế nên rất nhiều người chuyển sang ăn đồ chay.

Mỗi khi xuân về Tết đến cũng là dịp người thân và bạn bè gặp nhau, một buổi tiệc với những món ăn ngon miệng và đẹp mắt là không thể thiếu trong những dịp này. Hiểu được xu thế đó, nhà hàng cơm chay Hà Thành đã chuẩn bị và sẵn sàng phục vụ khách nhiều món mới, hấp dẫn, như: lẩu chay, nem chay khoai Lệ Phố… Ngoài ra, nhà hàng còn có một số sản phẩm mới đóng gói với mẫu mã đẹp mắt để khách mua về làm quà biếu, tặng. Đón năm mới 2013, Cơm chay Hà Thành còn có nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt thay lời tri ân tới những quý khách đã ủng hộ và tin tưởng nhà hàng trong suốt thời gian qua. Cũng như mọi năm, nhà hàng nhận đặt bánh chưng chay tết.

Ăn chay - Tại sao không?

Bạn mở ti vi, đang cảnh báo dịch lợn tai xanh; bạn mở báo chí, từ báo giấy đến báo online, đâu đâu cũng tràn ngập cảnh báo không ăn thủy cầm, không ăn gia cầm. Thế thì ăn gì đây? Đã bao giờ bạn ăn chay chưa? Bạn thấy câu hỏi có vẻ…“vớ vẩn”. Hoặc có thể bạn nghĩ rằng mình không phải nhà sư, sao lại đi quan tâm đến ăn chay nhỉ? Không phải đâu bạn ơi! Có cả một thế giới khác xung quanh bạn đang ăn chay đấy, từ một anh trông rất sáng sủa, cà vạt bảnh bao, tới một chị người nước ngoài đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ… Bạn có thể hình dung họ là những người ăn chay? Không chỉ ăn chay theo ngày, mà ngày nào họ cũng ăn chay, trông họ vẫn hồng hào, sành điệu, đẹp đẽ. Còn bạn, bạn có muốn thử không?

Hãy tìm hiểu về ăn chay đã nhé!

Trước tiên, bạn nên phân biệt ăn chay bình thường và ăn chay theo kiểu nhà Phật. Theo đạo Phật, người tu hành phải ăn chay, chỉ được ăn những loại hoa quả, rau củ chứ không được ăn thịt và những sản phẩm được làm từ động vật. 

Đã qua rồi thời kỳ thực đơn chay chỉ là những món rau xanh, đậu hũ. Thực phẩm chay bây giờ được “nâng cấp” hơn nhiều với đủ loại từ thực phẩm đông lạnh, đóng gói, đến đồ hộp, đồ khô... không thua thức ăn mặn.

Không chỉ những người theo đạo Phật mà hiện nay nhiều người không theo đạo Phật cũng rất thích ăn chay. Thị trường thực phẩm chay đang trở thành món ăn “thời thượng”. Đầu tháng 7 âm lịch - mùa Vu Lan hoặc bước vào các dịp lễ lớn nhất trong năm, thị trường ăn chay đặc biệt sôi động với nhiều loại thực phẩm khô, đóng hộp, ăn liền rất tiện dụng.

Hiện nay, các bà nội trợ chẳng khó khăn gì để tổ chức một bữa tiệc chay tại nhà với đầy đủ các món, kể cả những món khá đặc biệt như thịt vịt quay, heo sữa quay, lẩu chay... Người tiêu dùng mua về chỉ cần chiên sơ hoặc nấu sôi là có thể dùng được ngay. Ngoài ra, còn có nhiều loại thực phẩm chay ăn liền hoặc chỉ cần sơ chế như đồ hộp chay (đủ loại từ thịt chay ba lát, bò chay hầm, ra-gu sườn chay, cánh gà cà-ri chay, xúc-xích chay xốt cà, cá rô chay xốt chua cay...); thực phẩm đóng gói: mắm lóc chay, gà xé chay, sườn chay xào chua ngọt, gà chay xào sả ớt ăn liền và các loại khô: khô nai chay miếng, khô bò chay, khô cá thiều chay, chà bông heo chay...

Thực phẩm chay dạng nguyên liệu có cả trăm chủng loại, từ thịt chay dê, cừu, bò, vịt, gà, cá ba sa, cá điêu hồng, cá tai tượng, cá rô, cá bạc má, tôm, cua, mực, tôm khô, hải sâm, cá lóc, bao tử heo, mề vịt, heo lát, gà xé, cá viên, trứng... Thậm chí có cả nước mắm chay, bột nêm, bột canh, gói nêm vị phở, bột lẩu, bột canh... chay được đóng gói tinh tươm cho khách hàng tùy nghi sử dụng để “sáng tạo” món ăn. Cô Hiền, nhà ở quận Đống Đa, một khách hàng thường mua các món chay ở siêu thị cho biết: “Thực phẩm chay khô, đóng gói, hiện nay có mùi vị riêng, khá giống thực phẩm mặn nên rất dễ ăn.

Nếu trước đây, thực phẩm chay khô, đóng gói nhập từ Trung Quốc, Đài Loan chiếm lĩnh thị trường thì hiện nay, trong nước chiếm đa số. Tuy nhiên việc chế biến những thực phẩm này đúng cách và ngon miệng không phải ai cũng biết. Một số trường dạy nấu ăn tư nhân đã nhanh nhạy đưa ra các khóa học dạy nấu ăn chay cho những ngày rằm tháng bảy được nhiều người quan tâm....

Vậy nên, đừng nghĩ rằng ăn chay tức là chỉ có đậu, có rau. Mà bạn vẫn có thể rất ngon miệng khi khéo léo sáng tạo và sử dụng các loại thực phẩm chay làm sẵn.

Ăn chay, để bảo vệ sức khỏe và gia đình thì tốt rồi, tại sao không?   

Chuyên gia ẩm thực Vũ Cảnh

Tạ Hương

Từ khóa: