Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Việt Nam đang được xếp vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới, với 33% người bệnh bị kháng thuốc.
Hiện nay kháng sinh sử dụng cho mục đích điều trị chỉ chiếm dưới 30%. Trong khi đó, 75% lượng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được dùng trong nông nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng "nhờn" thuốc kháng sinh, gây nguy hiểm cho con người. Thực tế, thuốc kháng sinh trong nông nghiệp được sử dụng liên tục, không theo hướng dẫn, sử dụng cả chất cấm, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh cho con người. Toàn cầu tiêu thụ khoảng 100-200 nghìn tấn kháng sinh/năm. Trong đó, sử dụng cho thú y khoảng 60%, điều trị bệnh cho người khoảng 40% và dưới 1% cho thủy sản.
Tình trạng kháng kháng sinh đang đặt ra nhiều thách thức với nhân loại. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người thiệt mạng liên quan đến nhiễm trùng do kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới thậm chí gọi kháng kháng sinh là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25 nghìn người/năm. Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38 nghìn người/năm. Ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23 nghìn người/năm.
Tại Việt Nam, hiện nay kháng sinh sử dụng cho mục đích điều trị chỉ chiếm dưới 30%. Khoảng 15% người bệnh được điều trị đã phải dùng đến các thuốc phác đồ bậc hai và bậc ba. Chi phí các thuốc này gấp 100 lần so với các thuốc phác đồ bậc một.Việt Nam đứng thứ 14/27 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc trên thế giới. Tỷ lệ kháng thuốc ở những người mới nhiễm HIV chưa điều trị ARV kháng HIV dưới 5%.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 75% lượng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được dùng trong nông nghiệp (thế giới là 60%). Có khoảng 700g-3,3kg kháng sinh/tấn cá, cao hơn 7-33 lần so với các nước khác.
Thuốc kháng sinh trong nông nghiệp được sử dụng liên tục, không theo hướng dẫn, sử dụng cả chất cấm và chất khuyến cáo không nên sử dụng. Đây là tình trạng báo động về dư lượng kháng sinh phát hiện trong thịt và thủy sản, là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh cho con người.
Ngoài các căn nguyên lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế là rất nhiều người bệnh tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Ở các nước, phải có đơn của bác sĩ và rất vất vả mới mua được thuốc kháng sinh. Trong khi ở Việt Nam, mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau, chỉ cần ra hiệu thuốc nói về triệu chứng bệnh là có thể mua được do chủ sở hữu nhà thuốc muốn tối đa hóa doanh thu. Người dân có thói quen tự ý mua thuốc, không khám bệnh để tránh sự phiền hà, tốn kém...cũng dẫn tới khó quản lý, kiểm soát, hậu kiểm với việc bán thuốc phải kê đơn.
Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Việt Nam đã có nhiều văn bản quy định về bán thuốc kê đơn, trong đó các hành vi bán lẻ thuốc mà không có đơn thuốc đã bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán thuốc chưa nghiêm. Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế do số lượng nhà thuốc quá lớn, lực lượng quản lý còn mỏng. Trước thực trạng đó, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, nhất là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc. Mục tiêu của đề án, đến năm 2020, 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc. Trong đó, Bộ Y tế sắp tới giao Cục Quản lý Dược triển khai đề án mua và bán thuốc theo đơn. Cụ thể, áp tiêu chí bán thuốc theo đơn để đánh giá Nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, lắp hệ thống camera tại các nhà thuốc để giám sát.
Để việc phòng chống kháng kháng sinh, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc chúng ta cần cảnh báo sử dụng thuốc có trách nhiệm và cũng cần nâng cao nhận thức để các bác sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý, kê đơn điều trị nội và ngoại trú phù hợp. Điều quan trọng là bác sĩ cần giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ không nên sử dụng thuốc kháng sinh ngay từ đầu, cũng như xây dựng hệ thống giám sát, quản lý việc phân phối thuốc.
Hồng Anh