Sự kiện hot
7 năm trước

Khắp nơi dẹp 'cát tặc', ngành xây dựng cũng không lo thiếu vật liệu

Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng cho biết, khi các cơ quan chức năng quyết liệt dẹp "cát tặc" đã hạn chế nguồn cát cung cấp cho nhu cầu xây dựng. Tuy nhiên, chúng ta không cần lo lắng vì đã có nhiều vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng cho rằng, hiện nguồn cát được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu của các thành phố lớn. Ảnh: T.T

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nguồn cát được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu của các thành phố lớn. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển hạ tầng rất nhanh và mạnh nên nhu cầu về nguyên liệu này không ngừng tăng cao.

Thống kê năm 2015 cho thấy nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3 nhưng theo dự tính năm 2020 phải tăng lên đến 130 triệu m3.

Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam chỉ ước khoảng khoảng 2,3 tỷ m3. Với tốc độ xây dựng như hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cung cát sẽ thiếu trầm trọng.

Theo ông Lê Thế Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, hiện cát phục vụ nhu cầu xây dựng, sản xuất của các địa phương có hai nguồn chính. Một là từ các mỏ cát ở vùng núi, ở các bãi sông lớn. Hai là cát ở dưới đáy các dòng sông.

Việc khai thác cát dưới lòng sông để bán hiện đang mang lại siêu lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân liên tục đẩy mạnh khai thác cát, kể cả chính thức hoặc khai thác lậu. Việc này diễn ra công khai tại nhiều dòng sông chảy qua các tỉnh, thành cả nước. Thậm chí, có dấu hicát còn được xuất khẩu.

Khai thác cát manng lại nguồn kinh tế siêu lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân tổ chức khai thác trái pháp luật. Ảnh: Trang Anh.

Thực tế cho thấy, nguồn cung cấp cát rất hạn chế, giá lại tăng cao, nhiều công trình xây dựng buộc phải thi công trong tình trạng cầm chừng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã chủ động tìm các nguyên liệu khác có thể thay thế cát tự nhiên.

Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng cho biết: “Khi các địa phương và sở ngành quyết liệt với cát tặc đã làm hạn chế nguồn cát cung cấp cho xây dựng, đẩy giá cát cao hơn cùng kỳ năm ngoài từ 3-4 lần.

Tuy nhiên, chúng ta không quá lo lắng vì nhiều năm nay đã có các loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên, như: cát nghiền từ sỏi đá, tro, xỉ, thạch cao... đáp ứng được các công năng của cát”.

Cát nhân tạo là loại cát được nghiền từ đá, có cỡ hạt gần tương tự với cát tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể thay thế hoàn toàn hoặc một phần cát tự nhiên trong bê tông và vữa xây dựng.

Theo ông Ngọc, tùy theo mục đích mà sử dụng các loại nguyên liệu khác nhau để thay thế cát. Ví dụ để làm bê tông thì người ta dùng cát nghiền từ đá, loại cát này đã được sử dụng để xây các công trình lớn như thủy điện.

Ngoài ra, tro, xỉ, thạch cao có thể thay thế cát làm nền, nhưng để làm vữa thì không thể dùng loại nguyên liệu này để thay cát được. Do đó, các đơn vị xây dựng cần phải xem xét sử dụng thế nào để phù hợp với chất lượng công trình, với hiệu quả kinh doanh đầu tư, để lựa chọn nguyên liệu.

Cát nghiền có đầy đủ mọi công năng như cát nhân tạo. Ảnh: KH-PT

“Nếu ở vùng cao, chi phí vận chuyển cát từ đồng bằng lên có khi còn lớn hơn giá trị của cát. Cho nên, việc tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ mà sản xuất được cát nhân tạo sẽ mang nhiều lợi ích và khắc phục được tình trạng thiếu cát ở các vùng núi”, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng nhận định.

Đồng thời ông Ngọc cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 về phê duyệt đề án đẩy mạnh, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Sử dụng tro, xỉ, thạch cao để thay thế cát san lấp thì không chỉ giải quyết được bài toán khan hiếm cát, mà còn phần nào bảo vệ môi trường và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên.

"Hiện nay, các loại cát nhân tạo đã được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng ở nhiều nơi, đặc biệt là những nơi thiếu cát tự nhiên trầm trọng, khó vận chuyển thì đây là một giải pháp tối ưu.

Vào lúc này không nghĩ đến vật liệu thay thế cát thì chi phí xây dựng sẽ đội lên cao và nếu chúng ta thực hiện quyết liệt Quyết định số 452/QĐ-TTg chắc chắn sẽ thay thế được 30-40% cát thiên nhiên”, ông Ngọc nhận định.

Ngoài ra, ông Ngọc cho rằng cát thiên nhiên sẽ không bao giờ cạn kiệt do thiên nhiên sẽ tự sinh ra, nhưng việc khai thác bừa bãi sẽ dẫn đến môi trường bị ảnh thưởng gây nhiều hậu quả khôn lường.

“Chúng ta không nên ỉ lại vào thiên nhiên và cần tính toán hợp lý trong xây dựng. Ví dụ như chúng ta có thể dùng vật liệu thay thế tại chỗ (cát nghiền từ đá) để xây dựng thủy điện thay vì chở cát từ đồng bằng sẽ làm tăng chi phí xây dựng và lãng phí tài nguyên”, ông Ngọc gợi ý.

Theo nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong (MRC), từ năm 1992-2014, lượng trầm tích lơ lửng ở lưu vực sông Mekong đã giảm từ 160 triệu tấn/năm (còn 75 triệu tấn/năm). Theo đánh giá của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), hiện tại mỗi năm, các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị lấy đi 34 triệu m3 trầm tích (tương đương 55 triệu tấn, trong đó 90% là cát).

Khải An

Theo Đời sống & Pháp lý

Từ khóa: