Sự kiện hot
12 năm trước

Khỉ bị bắt nhốt vào lồng chờ chết ở Bắc Kạn

Chỉ vừa đến gần thôi, chú khỉ đã đưa cánh tay của mình ra để kéo kéo vạt quần của tôi. Khẽ chìa bàn tay nhỏ bé vươn ra ngoài, chú khỉ bị nhốt vội nắm chặt tay người như van lơn “Hãy đưa tôi ra ngoài”.

Chỉ vừa đến gần thôi, chú khỉ đã đưa cánh tay của mình ra để kéo kéo vạt quần của tôi. Khẽ chìa bàn tay nhỏ bé vươn ra ngoài, chú khỉ bị nhốt vội nắm chặt tay người như van lơn “Hãy đưa tôi ra ngoài”.

Trong những ngày lang thang ở khu vực xã Cao Kỳ thuộc huyện Chợ Mới ở Bắc Kạn, tôi vô tình bắt gặp cảnh tượng khỉ rừng bị phường thợ săn bắt về nhốt vào lồng sắt và bày la liệt ngay trước cửa của những nếp nhà sàn. Những con khỉ may mắn thì được các ông chủ mua về để nuôi, làm vật trang trí cho cơ ngơi vườn tược, kém may mắn hơn, nhiều con khỉ được bán đi để giết thịt hoặc nấu cao tẩm bổ.

Lân la hỏi thăm một tay thợ săn khỉ tên Ngọc, có nghề tay trái là thợ sửa xe máy, anh này cho hay: “Khỉ ở cánh rừng trong xã Cao Kỳ này trước đây nhiều lắm, có đàn tới hơn hai chục con, nhưng cũng bị thợ săn bắt gần hết rồi, sót lại đâu đó gần chục con thôi”. Mặc dù, việc săn bắt khỉ là trái phép nhưng theo thái độ kể chuyện “vanh vách” như của anh thợ săn này thì việc đi bắt khỉ ở đây chẳng có vấn đề gì mà phải “ái ngại”.

Khỉ bị thợ săn nhốt vào lồng sắt chờ bán cho thương lái

Ngày trước, đi qua khu vực xã Cao Kỳ, có thể nghe những tiếng khỉ gọi bầy văng vẳng ở hai bên sườn núi, khỉ còn dạn đến mức chạy loăng quăng trên những cành cây sát với những nóc nhà sàn của người dân, thậm chí là vào tận sân nhà để đùa nghịch với con gà, con vịt. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, để nghe thấy tiếng đùa nghịch của một con khỉ cũng là điều quá xa vời, thay vào đó là những âm thanh của tiếng súng tiếng đạn vang rền từ trong những cánh rừng thăm thẳm vọng ra.

Theo tay thợ săn Ngọc, muốn săn được khỉ trước hết phải tìm được dấu vết của chúng. Đó có thể là dấu tay khỉ khi leo trèo trên các thân tre, phân chúng trên mặt đất, những con đường chúng đi tạo nên trong rừng. Khi thấy các dấu hiệu trên, những tay săn bắt thú sẽ dùng bắp trái treo trên các bụi cây để nhử. Sau đó khoảng một tuần, bọn họ lên kiểm tra lại. Nếu phát hiện khỉ đã ăn bắp, họ tiếp tục treo bắp lần hai, rồi lần ba. Đến lúc này, thợ săn sẽ núp rình xem đàn khỉ có đông không để bố trí bẫy và cả tên thuốc mê, súng đạn để phòng trừ trường hợp khỉ tinh khôn phá được bẫy.

Cánh rừng gần xã Cao Kỳ ngày nào văng vẳng tiếng khỉ đùa nghịch giờ đã không còn

Vờ hỏi mua lại khỉ săn được trên rừng, tôi được tay thợ săn dẫn đến chỗ lồng nhốt khỉ, trước mắt là một chú khỉ đã trưởng thành trông rất tinh khôn. Chỉ vừa đến gần thôi, chú khỉ đã đưa cánh tay của mình ra để kéo kéo vạt quần của tôi. Khẽ chìa chìa bàn tay nhỏ bé vươn ra ngoài, chú khỉ bị nhốt vội nắm chặt tay người như van lơn “Hãy đưa tôi ra ngoài, đưa tôi trở về với rừng xanh”.

Trung bình, mỗi con khỉ bị thợ săn bắt được, sẽ có giá khoảng 10 triệu đồng trở lên. Nếu là loại khỉ đuôi dài, được cánh thương lái Trung Quốc ưa chuộng, giá sẽ được tính theo cân, khoảng 3 triệu đồng/kg. Một thực tế dễ dàng nhận thấy, thợ săn chỉ là những nông dân nghèo ở địa phương. Để săn bắt được động vật rừng, họ phải ở bám trụ ở trong rừng, hàng tuần, hàng tháng. Không ít người bị sốt rét hành và mắc các loại bệnh tật khác. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, họ vẫn mạo hiểm để đi săn khỉ, dù nhiều người ý thức được rằng cái nghề mà họ đang làm là độc ác. Thực chất, những tay săn khỉ thông thường, sau khi bán khỉ cũng chẳng được là bao, họ chỉ làm giàu cho những kẻ mua bán động vật hoang dã mà thôi, còn họ mãi mãi là những người nghèo khó, quanh năm túng thiếu.

Cánh tay của chú khỉ này vươn ra như muốn van lơn một sự tự do, được trở về với rừng xanh

Ngoài cánh thợ săn vì lợi nhuận, còn có những đám thợ săn đi săn khỉ để cho bớt “nhạt mồm, nhạt miệng”, súng ống lắp căng đạn, họ kéo nhau đi vào rừng, núp đợi khỉ gọi nhau đi kiếm ăn. Vừa thấy bóng dáng khỉ là “đoàng” sau cú bóp cò là  hàng trăm viên bi phun như mưa, dày đặc lao về phía bầy khỉ, đến mức con kiến cũng khó thoát chứ đừng nói gì đến bầy thú đang tung tăng trên những tán cây”. Khỉ mang về được họ xẻ thịt, lột da rồi biến thành bữa nhậu túy lúy.

Thậm chí, để bắt được nhiều khỉ người ta dùng bả chuột Trung Quốc, với liều lượng thật nặng, tẩm vào các thứ mà khỉ thích ăn như: chuối, khoai lang, cơm... đặt ở những vị trí khỉ hay tụ tập hoặc nơi trú ngụ của chúng. Khỉ là giống có tính bầy đàn rất cao, một con ăn thì kiểu gì cả đàn cũng ăn, thế là chết hàng loạt.

Đặc điểm của giống khỉ là dù có chết, chúng cũng lết về đúng nơi trú ngụ để chết, nên người ta cứ buổi chiều đi đánh bả, sáng ra chỉ cần đến một địa điểm để thu gom.

Mỗi nhóm đi đánh bả, kiếm được vài chục con khỉ là chuyện thường ngày, có khi lên đến cả trăm con. Có được khỉ người ta đem nhập cho các nhà hàng đặc sản, dùng không hết thì đem nấu cao hoặc ép khô bán cho dân nhậu.

Chúng ta đã rất nhiều lần hô vang những khẩu hiệu “Bảo vệ động vật hoang dã” hay “Cấm săn bắn động vật cơ tuyệt chủng” nhưng dường như vẫn chưa có hiệu quả. Với những người nông dân nơi đây, cái “thuật ngữ bảo vệ” ấy là một điều quá xa vời. Hơn nữa, vì cuộc sống nghèo túng nên họ càng chẳng cần quan tâm đến chuyện bảo vệ động vật hoang dã.

Kinh Vân
Theo Infonet

Từ khóa: