Khuyển đã trở thành lực lượng không thể thiếu trong biên chế với nhiều lần lập công xuất sắc. Nhiều trường hợp đặc biệt với sự tham gia của chó nghiệp vụ đã được giải quyết êm thấm. Nhiều vụ án tưởng như bế tắc, nhưng với sự vào cuộc của những chú chó nghiệp vụ, tội ác đã phải phơi bày.
Kể từ khi những chú bécgiê đầu tiên được các chuyên gia Liên Xô mang sang nước ta cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, cảnh khuyển đã trở thành lực lượng không thể thiếu trong biên chế với nhiều lần lập công xuất sắc. Nhiều trường hợp đặc biệt với sự tham gia của chó nghiệp vụ đã được giải quyết êm thấm. Nhiều vụ án tưởng như bế tắc, nhưng với sự vào cuộc của những chú chó nghiệp vụ, tội ác đã phải phơi bày.
Chống bạo động
Tin báo về: Có một đám đông đang kéo về trước cổng ủy ban nhân dân gây huyên náo, đưa yêu sách. Đám đông dễ có tới hàng trăm người, miệng hò hét, tay khua gậy gộc đòi cơ quan chức năng phải đáp ứng những yêu sách vô lối và đe dọa đập phá nếu không được đáp ứng!
Nhận được chỉ đạo, các lực lượng chức năng trấn áp biểu tình, bạo loạn lập tức được triển khai. Đánh giá: Đa số quần chúng nhân dân là do bị lôi kéo, kích động mà thành. Chỉ có một số ít phần tử cầm đầu, tay cầm loa, tay cầm cờ ra sức kích động đám đông. Đây cũng là những đối tượng manh động nhất, sẵn sàng các hành vi chống đối bằng bạo lực. Yêu cầu: Khống chế những kẻ cầm đầu, giải tán đám đông, hạn chế xô xát ở mức thấp nhất.
Sau một thời gian bình tĩnh, chủ động thương thuyết, khuyên giải mà không đem lại kết quả, đám đông bắt đầu có những hành động quá khích, ném gạch, đá, chai lọ vào hàng rào cán bộ chiến sĩ của lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ ngăn không cho đám đông tiến qua cổng ủy ban. Không còn cách nào khác, lệnh hành động được phát ra.
Từ đằng sau hàng rào, lực lượng trấn áp sử dụng đồng loạt các loại quả nổ, đạn hơi cay không gây sát thương nhưng có tác dụng khiến cho đối phương đột ngột hoang mang, hoảng sợ. Cùng lúc ấy, phía hàng rào các chiến sĩ cơ động cũng có sự chuyển động. Phóng ra giữa những khe hở là những chú chó nghiệp vụ lao vút như tên bắn, theo sau là các lực lượng trấn áp với các công cụ hỗ trợ.
Diễn tập Chó nghiệp vụ khống chế đối tượng nguy hiểm.
Được huấn luyện kỹ càng, bài bản, ngay khi được huấn luyện viên tại hiện trường xác định đối tượng chuẩn xác, bất chấp tiếng súng nổ, tiếng người la ó, chó nghiệp vụ đã tiếp cận nhanh chóng và lập tức xô ngã những kẻ cầm loa, cầm cờ, nhe những chiếc nanh nhọn hoắt lượn quanh khiến những kẻ manh động khiếp đảm đành chịu thúc thủ nằm yên một chỗ mà chịu trói. Đám đông còn lại như rắn mất đầu, đành giải tán một cách trật tự dưới sự kiểm soát của lực lượng chức năng…
…Đấy chỉ là một trong số những kịch bản diễn tập chống bạo động có sự tham gia của Trung tâm Huấn luyện và Sử dụng chó nghiệp vụ - C69, Bộ Công an. Mới đây, trong cuộc diễn tập đầu tháng 9-2011, theo đề nghị của Công an tỉnh Phú Thọ, Trung tâm C69 đã cử 18 cán bộ, huấn luyện viên và 10 chó nghiệp vụ cùng phương tiện, công cụ hỗ trợ giúp Công an tỉnh thực hiện diễn tập phương án chống bạo loạn chính trị do Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức đạt kết quả tốt.
Những chặng đường lập công
Từ cuối năm 1959, theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an lúc bấy giờ là đồng chí Trần Quốc Hoàn, 8 chú chó loại nghiệp vụ được chuyên gia Liên Xô mang sang ta làm quà tặng và được coi như bước khởi đầu cho sự ra đời của lực lượng huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ của ta. Lúc ấy cũng có người chưa đánh giá được hết tầm quan trọng của việc ấy.
Chó nuôi để giữ nhà, khắp làng quê ở đâu chẳng có. Thậm chí kể cả chó bécgiê hay các giống chó dữ khác của nước ngoài khi người Pháp rút đi bỏ lại, sinh sôi tự nhiên ở các gia đình khá giả lúc ấy cũng không phải là điều lạ lẫm. Nhưng đấy là lần đầu tiên các chiến sĩ của ta tiếp cận với những chú chó nghiệp vụ được huấn luyện bài bản, cực kỳ khôn ngoan và phục tùng tối đa mọi mệnh lệnh như thế.
Vượt qua những bỡ ngỡ đầu tiên, dưới sự chỉ bảo tận tình của chuyên gia Liên Xô, đội cảnh khuyển ngày càng lớn mạnh và đã lập những chiến công xuất sắc ngay từ thời ấy. Những cái tên Bảo An, Eliza hay Lang Kha từng một thời khét tiếng trong đội cảnh khuyển của Công an nhân dân Việt Nam, biết bao lần làm cho đám biệt kích, nhảy dù chống phá phải thất hồn lạc phách.
Chiến công đáng kể đầu tiên của huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của ta có lẽ là vào tháng 10/1963 khi có tin về một toán biệt kích nguy hiểm xuất hiện ở Quảng Ninh. Cuộc truy đuổi kéo dài nhiều ngày trời, và mấu chốt quyết định thắng lợi trong chuyên án chống biệt kích, gián điệp ấy là chó nghiệp vụ của ta phát hiện được nơi chúng chôn giấu vũ khí và điện đài. Không có phương tiện, cả toán biệt kích lần lượt sa lưới.
Năm 1964, trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, bộ đội phòng không của ta bắn cháy một máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm không phận thị xã Sơn Tây. Tên phi công Mỹ ngoan cố lái máy bay về phía Tây Bắc và rơi ở vùng thuộc Lương Sơn, Hòa Bình. Tên giặc lái nhảy dù xuống rừng. Khi công an tới, đồng bào dân tộc thiểu số rất nhiệt tình dẫn cán bộ ra sườn núi, nơi xác chiếc máy bay rơi, nhưng lại gần như không có khái niệm gì về chiếc dù của tên giặc lái. Cả một vùng núi non trùng điệp, cây cối rậm rạp, kẻ địch lẩn trốn ở đâu? Nhiệm vụ của các chiến sĩ công an lúc bấy giờ là phải truy bắt ngay tên giặc ấy, bởi nếu không nó sẽ chẳng khác gì một tay biệt kích len lỏi chỉ điểm cho máy bay Mỹ đến bắn phá cơ sở của ta.
Diễn tập triển khai đội hình.
Chó nghiệp vụ Eliza cùng hơn 20 chú chó khác được huy động với quyết tâm không cho tên giặc lái trốn thoát. Sau gần một ngày trời ròng rã, Eliza đã tìm thấy tên giặc lái đang trốn trên một… cành cây.
Một chú chó nghiệp vụ đặc biệt được thế hệ huấn luyện viên đầu tiên ưu ái nhắc đến nhiều là Rútxlan. Người huấn luyện trực tiếp của Rútxlan bằng giáo án tự viết là Trung tá Trần Văn Thảo. Trong quãng đời ngắn ngủi chỉ kéo dài 5 năm (1962 - 1967), Rútxlan đã phá tổng cộng 56 vụ án, chiếm 2/3 án của toàn đội cảnh khuyển thuộc Công an TP Hà Nội lúc bấy giờ. Rútxlan đã từng được tỉnh Hưng Yên cấp bằng khen cho thành tích phá án xuất sắc, và thậm chí những chiến công của nó đã từng được viết thành sách.
Là một chú chó có sức khỏe không được tốt do không hợp thủy thổ, chứng bệnh viêm phổi, viêm gan và khối u trong cổ họng khiến nó hầu như không có khả năng truy tìm dấu vết, nhưng đặc biệt, Rútxlan lại có biệt tài giám định nguồn hơi. Rútxlan đã cùng huấn luyện viên Trần Văn Thảo khám phá các vụ án phức tạp ở khắp miền Bắc.
Có khi vụ án đã xảy ra hàng mấy tháng trời, chỉ nhờ các mẫu hơi được huấn luyện viên chưng cất, Rútxlan đã phát hiện ra thủ phạm gây án đã bỏ trốn và cả tung tích người nằm… dưới mộ. Ngay cả các nguồn hơi người phức tạp lẫn với dầu mazut hay ám khói thuốc nổ, khi thử đi thử lại, Rútxlan vẫn cho ra kết quả duy nhất khiến đối tượng gây án chỉ còn biết cúi đầu nhận tội.
Từ khi Trường 1175 ra đời - lấy theo thời điểm thành lập trường tháng 11/1975 và là tiền thân của Trung tâm C69 bây giờ - đội ngũ huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của lực lượng Công an chưa bao giờ thiếu mặt trên các điểm nóng, không ngừng nâng cao bề dày thành tích chung của lực lượng huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ của cả nước.
Tiếp bước hào hùng
Phải mất đến vài lượt đi - về mỗi chiều hơn 30 cây số từ trung tâm Hà Nội sang huyện Sóc Sơn, nơi đóng quân của Trung tâm C69 chúng tôi mới gọi là "hòm hòm" đủ để ca ngợi một phần chiến công của những chiến sĩ huấn luyện và chó nghiệp vụ của một trung tâm đầu ngành của lực lượng Công an.
Đại tá Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Trung tâm C69 luôn miệng kêu bận. Mà bên ấy đợt này cũng lắm việc thật. Có buổi chúng tôi đang trên đường sang Trung tâm thì đồng chí Cục trưởng lại phải ngược về Hà Nội. Một đề án lớn phát triển đội ngũ huấn luyện và chó nghiệp vụ trên phạm vi toàn quốc cho lực lượng Công an nghe nói đang sắp được triển khai.
Là một trong số ít những người đầu tiên về với Trung tâm kể từ khi thành lập, 37 năm gắn bó với nghề nuôi dạy chó nghiệp vụ là cũng ngần ấy thời gian người con đất Hoa Lư, Ninh Bình đau đáu với nghề. Tiếp xúc với Đại tá Nguyễn Văn Bộ, nghe ông say sưa nói về những chiến sĩ đặc biệt của mình, về tính nết của giống chó này, ưu điểm của giống chó kia mới cảm nhận được ông yêu nghề đến mức nào.
Hồi Trung tâm mới thành lập còn khó khăn lắm. Địa điểm bây giờ cũng là trụ sở UBND xã được chuyển đổi. "Hồi ấy chó chưa nhiều, người ở ngay gần với chó. Ăn, ngủ, học tập, huấn luyện đều… có chó. Có những đêm đang ngủ giật mình tỉnh dậy, hốt hoảng vớ ngay cái đèn pin soi xem chú khuyển có làm sao không…” - Đại tá Bộ kể chuyện, khúc kha khúc khích lành hiền như một anh nông dân chính hiệu.
Bây giờ thì Trung tâm C69 đã có nhiều thay đổi. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của anh em cán bộ chiến sĩ mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cũng đã tốt lên nhiều. Người ta bảo làm nghề nào ăn nghề nấy, đúng với cả nghề dạy chó nghiệp vụ. Nhiều anh em huấn luyện viên nhà ở khu vực quanh trường, ban ngày ở Trung tâm, chiều tối về nhà lại nhận dạy thêm nguồn chó xã hội hóa, vốn cũng từ Trung tâm mà ra. Việc này được lãnh đạo Trung tâm tạo điều kiện bởi vừa góp phần cải thiện đời sống cán bộ chiến sĩ vừa cũng là cách trau dồi thêm kỹ năng huấn luyện đa dạng cho các huấn luyện viên.
Một "cua" huấn luyện từ 3 đến 4 tháng, kinh phí gia chủ chỉ phải trả từ 2 đến 3 triệu đồng một tháng, nhưng bù lại giá trị của chú khuyển yêu lại tăng lên gấp mấy lần với những kỹ năng chuyên nghiệp được đào tạo. Mà thực ra xét cho cùng, huấn luyện cho chó của các gia đình cũng là một cách hay giúp bảo vệ tài sản cho nhân dân, gián tiếp góp phần cho phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự xã hội đấy thôi.
Thời điểm này, Trung tâm đang chuẩn bị cho cuộc thi chó nghiệp vụ quốc tế dự kiến diễn ra đầu tháng 12 tới. Đối với người ngoài nghề, thông tin này có thể không gây được sự chú ý. Nhưng đối với người trong nghề hoặc giới say mê giống vật nuôi bốn chân đặc biệt trung thành này thì đây quả là một tin cực vui.
Tổ chức thành công cuộc thi sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới vị trí và đánh giá về lực lượng huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ của Việt Nam. Nó sẽ là sự khẳng định về trình độ huấn luyện và đẳng cấp của chó nghiệp vụ của ta. Đấy là về mặt uy thế. Còn như giật giải thì lợi ích về mặt kinh tế quả cũng không hề nhỏ. Phải biết rằng chú bécgiê thuần chủng Remo vom Fichtenschlag của một người Đài Loan đoạt giải vô địch thế giới tại Dog Show 2011 vừa qua được giới chuyên gia định giá hơn 800.000 euro, tương đương khoảng 25 tỉ đồng Việt Nam!
Ở ta, chó chưa thể có giá ấy bởi để đánh giá một con chó đạt tiêu chuẩn VA1 như con Remo vom Fichtenschlag người ta xét đến đủ mọi yếu tố, thậm chí là đến cả thời gian cần thiết để nó sản sinh ra những thế hệ kế cận thuần chủng không kém. Nhưng ở Trung tâm C69, toàn bộ các cá thể thuần chủng làm chó bố, mẹ đều được nhập nguyên bản từ Đức, Nga, Bỉ, Mỹ, Tây Ban Nha…
Chó nghiệp vụ cung cấp cho các đơn vị địa phương cũng như xã hội hóa cũng đều là đời F1. Theo đánh giá của các chuyên gia thì chất lượng của thế hệ F1 này không có gì khác biệt. Huấn luyện tốt, chiến đấu tốt, đánh hơi tốt, truy tìm dấu vết tốt, bảo vệ tốt. Có khác chăng chỉ là một chút ít về thể hình bởi khí hậu nóng ẩm và điều kiện chăm sóc ở ta.
Tản mạn một chút, để thấy, để hiểu, có được giống chó hay rồi, nhưng để nó đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ là cả một kỳ công mà những người lính huấn luyện tại Trung tâm C69 buộc phải đạt tới
Việt Ba
Theo CAND