Hiện có rất nhiều loại hoa quả NK được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội… với những lời quảng cáo “có cánh” kèm giá cả “mềm” hơn so với giá bán tại nhiều cửa hàng trên thị trường, gây băn khoăn cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên chọn lựa trái cây nhập khẩu tại các đơn vị bán hàng uy tín Ảnh: Hồng Vân.
Giá rẻ bất ngờ
Nho ngón tay (nho giọt trăng) của Australia là mặt hàng khá sốt trên nhiều “chợ mạng” thời gian qua. Tại các hệ thống cửa hàng chuyên bán trái cây NK như L.T.S hoặc K... fruits, giá nho này dao động khoảng 229.000-239.000 đồng/kg. Ở thời điểm hiện tại, dù hệ thống L.T.S đang giảm giá trên 40% với nho ngón tay, song giá cũng còn ở mức 135.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều trang facebook cá nhân, diễn đàn, trang rao vặt… lại rao bán loại nho này khá rẻ với mức 60.000- 100.000 đồng/kg. Thậm chí, nếu mua cả thùng, giá chỉ 300.000 đồng/thùng khoảng 9,5kg. Nguyên nhân giá rẻ mà nhiều người bán hàng đưa ra là hàng do công ty NK về bị sốc nhiệt, có dập nát một phần nên hạ giá bán rẻ. Trên thực tế, chưa rõ nho hạ giá có phải nho Australia thật hay không, song nhiều bà nội trợ mua nho về cho biết, nho không còn tươi, bị mềm, thậm chí bị dập hỏng. Một phần nho có thể ăn tươi trực tiếp. Số nho dập được đem ép thành nước uống.
Tương tự, gần đây mặt hàng cherry (anh đào) có xuất xứ từ Trung Quốc cũng được nhiều người bán hàng trên mạng rao với mức giá rẻ hơn khá nhiều so với sản phẩm NK từ Mỹ, New Zealand,... Trong khi giá quả cherry NK từ Mỹ, New Zealand được nhiều DN có thương hiệu bán dao động quanh mức 400.000-600.000 đồng/kg tùy loại, thì trên “chợ mạng”, quả cherry Trung Quốc chỉ có giá khoảng 120.000 đồng/kg, thậm chí nếu mua nhiều theo thùng còn rẻ hơn.
Ngoài nho ngón tay Australia hay cherry, trên thực tế, các loại hoa quả khác như táo, kiwi… cũng được rao bán tràn lan trên mạng với đặc điểm chung là giá thành rẻ hơn khá nhiều so với giá bán tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch. Nhiều khi, người bán cố tình lập lờ nguồn gốc xuất xứ của trái cây, ví dụ như bán kiwi Trung Quốc nhưng lại giới thiệu là kiwi Mỹ, New Zealand…
Nhìn xuất xứ chưa thể yên tâm chất lượng
Đặc điểm của các hoa quả NK rao bán trôi nổi trên “chợ mạng” là hình ảnh đẹp mắt mà giá lại rẻ. Yếu tố này khiến nhiều bà nội trợ bị thu hút. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, người tiêu dùng cần đặc biệt cẩn trọng với hàng hóa trôi nổi, nhất là về nguồn gốc của những thông tin bán hàng trên mạng.
“Riêng đối với mặt hàng cherry, Việt Nam đã cho phép NK chính ngạch từ 4 quốc gia gồm New Zealand, Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc, còn Australia đang làm thủ tục đàm phán. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, không hề có cherry Trung Quốc được NK về qua các cửa khẩu, cảng biển, sân bay, thậm chí NK tiểu ngạch cũng không có. Nhiều khả năng, một số người bán hàng có đầu mối từ Trung Quốc chỉ đăng thông tin để gom đơn rồi mới đặt hàng”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Hiện nay, Việt Nam NK nhiều loại hoa quả từ nhiều thị trường khác nhau. Điển hình như táo được NK từ Hà Lan, Ba Lan, Mỹ, Canada, Pháp, New Zealand,… Nho được NK từ Mỹ, Australia, New Zealand… Đối với mặt hàng táo, lê thậm chí có quanh năm bởi nước XK có hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm tốt. Hàng hóa để cả năm, khi mở cửa kho ra trái cây vẫn tươi nguyên. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, không thể nhìn vào xuất xứ hàng hóa để khẳng định hoa quả có yên tâm về chất lượng hay không, bởi ngay tại các quốc gia châu Âu vẫn phát hiện vụ việc mất an toàn thực phẩm liên quan tới mặt hàng hoa quả. Điều quan trọng là sản phẩm NK về phải được cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ, cho phép lưu thông trên thị trường.
Theo một số chuyên gia, trên thực tế, các mặt hàng hoa quả bán trôi nổi trên thị trường khá nhiều. Có những mặt hàng sản phẩm NK vào chất lượng tốt, tuy nhiên trong quá trình vận chuyển, bảo quản không tốt cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng, an toàn thực phẩm. Bởi vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng, chọn lựa những đơn vị phân phối, bán hàng uy tín, tránh tình trạng mua hàng trôi nổi dẫn tới “tiền mất tật mang”.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ Công Thương khuyến cáo, trong trường hợp cần thiết, người tiêu dùng khi mua hoa quả NK có thể yêu cầu nơi bán xuất trình một số giấy tờ như: Giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng; tờ khai hải quan và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ do nước XK cấp... Đặc biệt, khi nghi ngờ các cơ sở kinh doanh hoa quả NK có hành vi lừa dối khách hàng, người dân nên báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý. Đó là cách làm hiệu quả để người tiêu dùng tự bảo vệ mình.
Theo Bộ NN&PTNT, gá trị NK rau quả nửa đầu năm là 655 triệu USD, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 118 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ 2016 và mặt hàng quả đạt 507 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Thị trường NK rau quả lớn nhất trong 5 tháng đầu năm là thị trường Thái Lan (chiếm tới 57,5% thị phần), tiếp đến là thị trường Trung Quốc (chiếm 15,9%). Trong 5 tháng đầu năm giá trị NK rau quả ở tất cả các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường có giá trị NK rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (tăng hơn 2 lần), tiếp đến là thị trường Ấn Độ (tăng khoảng 2 lần) và Hàn Quốc (tăng khoảng 85,3%).
Thanh Nguyễn
Theo Hải quan