Là một công nhân vào TP.HCM lập nghiệp, sau bốn năm bạn Nguyễn Thị Thương đã phấn đấu trở thành tổ trưởng sản xuất tại Xí nghiệp Minako (Công ty cổ phần May Sài Gòn 3).
Là một công nhân vào TP.HCM lập nghiệp, sau bốn năm bạn Nguyễn Thị Thương đã phấn đấu trở thành tổ trưởng sản xuất tại Xí nghiệp Minako (Công ty cổ phần May Sài Gòn 3).
|
Chị Nguyễn Thị Thương (phải), tổ trưởng tổ sản xuất 5, Xí nghiệp may Minako (Công ty cổ phần May Sài Gòn 3), kiểm tra sản phẩm trong tổ - Ảnh: K.ANH
|
Mới đây Thương còn vinh dự được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2012.
Thương chia sẻ: “Nhờ những câu chuyện về Bác Hồ được đọc trên loa phát thanh của xí nghiệp, tôi đã học được nhiều điều từ Bác. Dù gặp bất cứ khó khăn nào mình cũng phải tìm cách vượt qua”.
Năm 2005, Thương vào làm tại Xí nghiệp Minako. Cần mẫn với công việc, say mê nghề may nên tay nghề của Thương ngày càng tiến bộ. Chỉ sau hai năm, Thương đã được lãnh đạo đơn vị tín nhiệm phân công giữ vai trò tổ phó tổ sản xuất.
Trực tiếp ngồi bàn máy, Thương rút kinh nghiệm trong từng đường kim mũi chỉ, thao tác đặt các chi tiết nhanh, hợp lý. Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, loại bỏ thao tác thừa của Thương đã được áp dụng cho nhiều công nhân chưa có năng suất cao trong tổ. Năm 2009, Thương giữ vai trò tổ trưởng tổ sản xuất, quản lý khoảng 40 công nhân chỉ sau hai năm làm tổ phó.
“Cả tổ có nhiều người là công nhân lâu năm, lớn hơn tôi cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Tôi thuyết phục mọi người bằng chính hiệu quả công việc. Tôi tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh mỗi người, khả năng làm việc và tay nghề của mỗi người để sắp xếp chuyền. Thời điểm tôi mới lên tổ trưởng, chuyền của tôi là một trong những chuyền có năng suất thấp nhất xí nghiệp. Chỉ sau hai tháng năng suất tăng lên, thu nhập bình quân từ 2,9 triệu đã vượt lên khoảng 4,3 triệu đồng. Ai trong chuyền cũng vui” - Thương bày tỏ.
Mỗi khi có đơn hàng mới, Thương tìm hiểu từng chi tiết của sản phẩm để phân công từng công nhân ứng với mỗi công đoạn để chuyền chạy trôi chảy. Ngay với những thao tác thừa do thói quen của công nhân, Thương hướng dẫn từng người giúp họ tăng năng suất hơn nữa. Những nấc thang mà Thương bước qua tưởng chừng dễ dàng nhưng thực tế cũng có những lúc khó khăn muốn buông xuôi. Và rồi từ chính nội lực của chị, mọi việc lại được giải quyết.
Thương cho biết: “Tôi học được từ lời dạy của Bác là không có việc gì khó, nếu có quyết tâm mọi việc sẽ làm được”.
Gần gũi, chia sẻ mọi điều từ công việc đến chuyện buồn vui của công nhân, Thương còn hướng mọi người học tập tính tiết kiệm của Bác. “Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguyên vật liệu và ngay cả trong chi tiêu sinh hoạt cũng là một cách chúng ta góp phần làm cho cuộc sống tốt hơn” - Thương cho biết. Chắt chiu từ đồng lương công nhân, Thương khoe hai vợ chồng chị đã tích cóp mua được đất sắp cất nhà để đón đứa con đầu lòng đang ở quê với ông bà nội vào...
theo Tuổi Trẻ