Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hoá) chứng kiến người anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ chọn nơi đây làm kinh thành thứ 2 có tên gọi Lam Kinh hay Tây Kinh.
Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hoá) chứng kiến người anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ chọn nơi đây làm kinh thành thứ 2 có tên gọi Lam Kinh hay Tây Kinh.
Đây là nơi phát tích của dòng họ đế vương đã có công bình Ngô giữ nước, ít ở nơi nào lại có hai vua như Thọ Xuân, Thanh Hoá. Trước là vua Lê Hoàn (thời Tiền Lê) và sau đó là Lê Lợi (thời Hậu Lê).
Trong số các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn ở Thanh Hóa như Thành nhà Hồ mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thì di tích lịch sử Lam Kinh (xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1962) cũng cho chúng ta thấy một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc của gần 600 năm về trước. Hiện tại nơi đây vẫn được trùng tu và sửa chữa.
Điện Lam Kinh nay chỉ còn lại dấu tích của nền móng nhưng vẫn cho thấy một kiến trúc quy mô đồ sộ với những chân cột được xếp vuông vức hình bàn cờ. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314 m, bề ngang 254 m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164 m, thành dày 1 m.
Nối giữa sân rồng và chính điện là thềm rồng gồm 9 bậc với hai đôi rồng đá được khắc tinh xảo, đặc trưng của rồng thời Lê. Phía sau điện Lam Kinh là Thái miếu, chạy theo hình vòng cung ôm lấy khu chính điện.
Đầu rồng được chạm khắc lại theo đúng nguyên bản. Đây là biểu tượng cho sự đồ sộ và phát triển thịnh vượng của kinh thành Lam Kinh cách đây gần 600 năm.
Ngoài ra, còn có các công trình kiến trúc khác như nhà tả vu và hữu vu hai bên sân rồng. Phía đông chính điện là khu cư xá của các quan và quân lính khi xưa trông coi khu kinh thành.
Kiến trúc được chạm khắc tinh xảo và được các chuyên gia, nhà lịch sử giữ đúng nguyên bản.
Tuy thành, điện xưa bị huỷ hoại do những biến cố của lịch sử và thời gian nhưng nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp của không gian Việt. Giếng ngọc có bán kính rộng lớn nhất Việt Nam hiện nay được dựng lên tại lối vào khu chính điện.
Bên hữu sân rồng là cây đa thị hàng trăm năm tuổi, có kích thước chục người ôm mới xuể, luôn xanh ngắt, vươn mình toả bóng mát như chứng nhân còn mãi với thời gian.
Vào thành điện Lam Kinh, du khách đi qua cầu Bạch mà xưa kia có tên gọi là cầu Tiên Loan Kiều được làm theo kiểu dáng “Thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu) bắc trên sông Ngọc.
Qua cầu là Ngọ Môn, khi xưa nơi đây được quân lính canh giữ cẩn thận.
Cố đô Lam Kinh nhìn từ lối vào.
Tại đây có rất nhiều lăng mộ, nhưng nổi bật nhất là bia Vĩnh Lăng. Đây là một trong những tấm bia lớn nhất nước ta. Bia mô tả ngắn gọn, cô đọng gia tộc, thân thế, sự nghiệp công lao của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn.
Khuôn viên rộng lớn rợp bóng cây xanh của cố đô Lam Kinh, Thanh Hoá.
theo Infonet