Sự kiện hot
12 năm trước

Kinh hoàng chè xanh bẩn lên...phố

Dantin - Sau khi ngâm, rửa trong dòng nước đục ngầu, bốc mùi tanh khẳn, hôi nồng của phân gà, phân vịt,... những bó, những cành chè xanh bắt đầu được đưa đi tiêu thụ khắp nơi.

Dantin - Sau khi ngâm, rửa trong dòng nước đục ngầu, bốc mùi tanh khẳn, hôi nồng của phân gà, phân vịt,... những bó, những cành chè xanh bắt đầu được đưa đi tiêu thụ khắp nơi.

Cho chè xanh…uống nước

Từ mờ sáng, theo chân một người buôn chè xanh tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), chúng tôi xuôi theo đường Hồ Chí Minh qua các xã Nam Phương Tiến, Hữu Văn (Chương Mỹ, Hà Nội) để tận mắt chứng kiến "công nghệ" ngâm, rửa chè xanh trước khi các lái buôn thu mua lại rồi đem đi phân phối các nơi.

Dọc theo tuyến đường liên xã từ đường Hồ Chí Minh đi vào khu vực chợ Chiều (xã Hữu Văn, Chương Mỹ) từng đoàn xe máy, xe đạp chở đầy những tải, bó chè xanh. Anh Trần Văn Sơn, một người chuyên thu mua chè xanh từ khu vực Liên Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) tiết lộ: Trước khi đưa chè lên chợ bán thì tất cả những thợ buôn chè đều dừng lại để làm một việc mà dân trong nghề gọi là cho chè “uống nước”.

Sau khi được ngâm, rửa chè xanh sẽ được đem lên chợ bán cho các lái buôn đem đi tiêu thụ tại Hà Nội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa điểm mà các thợ buôn đưa chè xuống “uống nước” là bất cứ đoạn mương cống, song suối, ao hồ nào dọc theo tuyến đường mà họ đi qua. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là cái ao khá lớn cách chợ Chiều khoảng hơn một cây số. Tại đây, tất cả những tải, bó chè xanh đều được khiêng khỏi xe, ngâm xuống nước mà theo lý giải của những thợ buôn chè thì mục đích của việc làm này vừa là để những bó chè được “tăng cân”, vừa giữ cho chè được tươi lâu hơn.

Nếu được tận mắt chứng kiến nguồn nước ngâm, rửa chè xanh thì nhiều người hẳn sẽ rùng mình. Chỉ cần nhìn và cảm nhận bằng các giác quan thông thường, chúng tôi cũng nhận thấy nguồn nước ngâm rửa chè xanh đục ngầu, bốc mùi tanh khăn khẳn, hôi nồng của phân gà, phân vịt và đủ thứ rác nổi lều phều do người dân trực tiếp thải xuống. Chưa hết, khu vực ao này còn là nơi người dân ở đây thường xuyên chăn thả vịt ngan và cách nghĩa địa một đoạn không xa.

Vừa khệ nệ khiêng hai tải chè xanh xuống cho “uống nước” ao, chị Vũ Thị Mai (xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ) cho biết: Cái ao này ở ngay ven đường, tiện đường đi lối lại nên hầu hết người buôn chè đều đem xuống đây để ngâm, rửa chè. Đúng như lời chị Mai nói, chỉ trong vòng khoảng gần một giờ đồng hồ, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hàng chục lượt xe máy, xe đạp chở chè xanh rồng rắn xếp hàng chờ đến lượt mình đem chè xuống ao cho “uống nước” no nê.

Bà Nguyễn Thị Vân, một người buôn chè có thâm niên hơn chục năm tại xã Nhuận Trạch (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết: Chợ Chiều từ lâu không chỉ là “điểm dừng” của các lái buôn chè xanh từ Hà Nội vào mà còn là một địa điểm trung chuyển lớn của các mặt hàng nông, lâm sản khác. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết các thợ chè sau khi thu hái chè xanh tại các xã, huyện khu vực tỉnh Hòa Bình đều đem xuống khu vực chợ Chiều bán cho các lái buôn đem đi đổ mối tại các chợ ở Hà Nội như chợ Long Biên (Long Biên), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), chợ phía Nam (Hoàng Mai)… để rồi từ đó, chè xanh sẽ được chia nhỏ ra đem bán cho người dân. Do biết chè xanh được ngâm, rửa dưới nguồn nước bẩn thỉu như vậy nên tất cả những thợ buôn và lái buôn chè xanh đều… không dám uống chè xanh do mình bán.

Nguy hại khôn lường!

Trao đổi với PV Đời sống & Tiêu dùng về những tác hại của việc ngâm, rửa chè xanh và các loại rau, củ quả khác trong nguồn nước ô nhiễm đối với sức khỏe người tiêu dùng, Tiến sĩ Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng Bộ môn Bảo quản chế biến (Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương) đánh giá: Khi sử dụng các nguồn nước ô nhiễm để ngâm, rửa chè xanh, rau củ quả cũng như các loại nông, lâm sản khác thì có thể gây nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh vật, nhiễm hóa chất độc hại và có tác động rất lớn tới chất lượng sản phẩm.

Theo TS Hằng, trong môi trường nước tại các ao hồ, sông suối,... có rất nhiều các loại vi sinh vật có khả năng gây hại khi vào trong cơ thể con người. Mặc dù qua quá trình đun nấu, tẩy rửa thì vẫn có thể còn những nha bào, bào tử của các loại vi sinh vật này còn sót lại, gặp môi trường thuận lợi chúng sẽ sinh sản, nảy nở và gây hại tới sức khỏe con người như E.coli, Coliform,....

Đặc biệt, trong nguồn nước tại các ao hồ, sông suối mà người dân thường sử dụng để ngâm, rửa các loại rau củ quả, nông lâm sản hiện nay thường có những hóa chất độc hại, kim loại nặng như chì, cadimi, đồng, asen, thủy ngân... theo nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp thải ra tích tụ lại. Cùng với đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình gieo trồng, chăm sóc của người dân sẽ thấm theo nguồn nước xuống nên khi sử dụng những loại chè xanh, rau củ quả rửa không sạch có những tác hại khôn lường như gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn, ảnh hưởng đến tim mạch, não, thậm chí gây ung thư đối với người tiêu dùng.

"Ngoài ra, chè xanh, rau củ quả là những sản phẩm rất dễ bị tổn thương trong quá trình thu hoạch, chế biến nên khi ngâm, rửa bằng nguồn nước bị ô nhiễm thì các loại hóa chất độc hại có thể thâm nhập vào các mô tế bào của sản phẩm. Khi đun nấu, sử dụng sẽ gây biến đổi đặc tính sinh lý và chất lượng của chè xanh, rau củ quả và có tác động không tốt tới sức khỏe của con người", TS Hoàng Thị Lệ Hằng phân tích. 

Hải Nam

Từ khóa: