Theo chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2011-2015), dự kiến tăng trưởng GDP năm 2013 đạt mức 8,5% thì nhiệm vụ còn lại trong 2 năm (2014-2015) của Hà Nội phải đạt khoảng 16,8-19,5%.
Theo chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2011-2015), dự kiến tăng trưởng GDP năm 2013 đạt mức 8,5% thì nhiệm vụ còn lại trong 2 năm (2014-2015) của Hà Nội phải đạt khoảng 16,8-19,5%.
Với bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song 4 tháng đầu năm nay, với các chỉ tiêu đạt được đã hé mở những tín hiệu tốt lành cho kinh tế Thủ đô.
Năm 2011, 2012 và 4 tháng đầu năm 2013 cho thấy, tình hình kinh tế thế giới và khu vực đã rơi vào kịch bản với dự báo xấu nhất. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Hà Nội đã bị ảnh hưởng trực tiếp, một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, xuất khẩu chỉ tăng hơn 9%. Tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn gặp khó khăn; xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực xấu đi; thị trường bất động sản đóng băng… Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm của Hà Nội vẫn tăng trưởng khá.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Bảo Lâm
Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 4,9%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 5.379 tỷ đồng tăng 17,3%; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 12,1%; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.339 triệu USD, trong đó xuất khẩu địa phương bằng 98% với một số ngành đã có sự chuyển biến tích cực, như giày dép tăng 33,1%, thủ công mỹ nghệ: 15,2%, dây và cáp điện: 9,9%, dệt may: 6,7%... Các công trình, dự án có vốn chuyển tiếp được thực hiện. Một số dự án do các sở làm chủ đầu tư có khối lượng thực hiện đạt khá so với kế hoạch; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước…
Mặc dù, quá trình thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, việc thực hiện hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa cùng những giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho SXKD làm khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước có tác động đến tăng trưởng và ổn định kinh tế, nhưng nền kinh tế Thủ đô vẫn còn nhiều thách thức. Đó là hạ tầng kỹ thuật vừa yếu, vừa thiếu và phát triển chưa đồng bộ; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn; nhiều vấn đề về môi trường, đô thị đang cần tập trung nguồn lực để giải quyết...
Với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư đi đôi với tiếp tục ổn định kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015, thời gian tới, Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, Hà Nội phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao. Chủ động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng nguyên liệu thô, sơ chế. Xây dựng, phát triển đồng bộ và quản lý tốt các thị trường: tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, thị trường lao động, khoa học - công nghệ… Để thực hiện các mục tiêu trên, Hà Nội đã, đang tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong phục vụ nhân dân. Theo đó, tăng cường phân cấp theo hướng rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ, trách nhiệm. Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành với tinh thần tập trung, kiên quyết và hiệu quả, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm trên từng lĩnh vực để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
Thanh Mai
theo Hà Nội mới