Sự kiện hot
3 năm trước

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng Miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2022): Khát vọng hòa bình

Mỗi dân tộc một số phận. Dân tộc Việt Nam phải trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, tiến hành những cuộc kháng chiến chống xâm lược, chiến tranh giải phóng, giành độc lập, hòa bình, tự do cho đất nước. Những năm tháng ấy vô cùng khó khăn gian khổ, tủi nhục vì nước mất, nhà tan, biết bao hy sinh đổ máu. Vì thế, người Việt Nam khát khao và hiểu thấu giá trị của hòa bình, tự do, độc lập.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại, mãi là niềm tự hào sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam - Ảnh: Tư liệu.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại, mãi là niềm tự hào sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam - Ảnh: Tư liệu.

Nhìn lại chặng đường lịch sử dân tộc đi qua, càng ngẫm ngợi chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi! Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc cách đây gần 5 thập kỷ nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử thời đại, tính thời sự nóng hổi.

Làm thế nào loại trừ chiến tranh khỏi đời sống loài người, xây dựng thế giới đại đồng? Câu hỏi trải qua hàng thế kỷ mà sao không dễ trả lời? Xung đột vũ trang, chiến tranh mềm, chiến tranh kinh tế giờ đây lại diễn ra sau nhiều chục thập kỷ châu Âu và thế giới được sống trong hòa bình, yên vui, ngập tràn hạnh phúc. Nhiều cách để cắt nghĩa cho thực tế phũ phàng ấy nhưng mỗi khi nguy cơ chiến tranh, mâu thuẫn xung đột giữa các nước xảy ra ở bất cứ quy mô nào người dân lành, người già, phụ nữ, trẻ em đều nơm nớp lo ngại, họ cầu mong không phải hứng chịu cảnh đạn bom, trốn chạy chiến tranh bằng mọi cách: tị nạn, li hương, cầu cứu sự trợ giúp của chính quyền các quốc gia chấp nhận họ với tư cách yếm thế. Cuộc sống bất định tương lai bắt đầu!

Chứng kiến cảnh dòng người dân lớn, nhỏ lũ lượt hoảng loạn tìm cách rời bỏ quê hương mình nương nhờ nơi đất khách quê người, nhiều nghìn người chết và thương tích bởi chiến tranh ai chẳng đau lòng? Người dân châu Âu lần đầu tiên họ đang sợ chiến tranh hơn cả dịch bệnh? Những ai đã trải qua cuộc chiến tương tàn càng thấy yêu hòa bình và căm ghét chiến tranh đến nhường nào? Có người lo sợ, có người muốn dâng hiến thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng không gì thay thế, chỉ có hòa bình đất nước, con người mới có cơ hội phát triển, yên bình, hạnh phúc. Chiến tranh chỉ đem lại khổ đau, hệ lụy cho hậu thế. Thế giới hôm nay nếu mạnh mẽ thật sự trong việc cản ngăn chiến tranh, mọi người, mọi quốc gia đều chung khát vọng hòa bình thì phải ngăn ngừa chiến tranh từ xa, chủ động và đoàn kết lại.

Kết thúc chiến tranh, Việt Nam bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước. Bước chuyển quan trọng nhất là thời kỳ xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quản trị xã hội, đất nước trong chiến tranh sang thời bình là sự chuyển đổi lớn về tư duy. Đổi mới nhưng không đổi hướng, hội nhập nhưng không bị hòa tan. Trong nhiều vấn đề cụ thể, phức tạp người lãnh đạo còn lúng túng, thậm chí chúng ta phải trả giá. Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của Đảng, đất nước dần từng bước vượt qua bỡ ngỡ, đúc rút kinh nghiệm và không ngừng tiến bộ. Từng bước loại bỏ tư tưởng bảo thủ, trì trệ, tự mãn, ngủ trên chiến thắng; quản trị xã hội, phát triển kinh tế bằng tư duy thời chiến, bao cấp. Nhờ đó đất nước thoát khỏi nghèo đói thành quốc gia có mức thu nhập ổn định, cuộc sống người dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam được xếp vào hàng nước phát triển trung bình trên thế giới. An ninh chính trị được giữ vững, nền hòa bình, độc lập, tự do được bảo đảm vững chắc; lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ ngày càng được củng cố, phát triển.

Quy luật phổ biến của nhiều triều đại, quốc gia, dân tộc sau chiến tranh, đất nước được hưởng thái bình, những căn bệnh thường gặp lại tái diễn: tư tưởng thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, đặc quyền đặc lợi, vinh thân phì gia, vun vén cá nhân, quan liêu tham nhũng tiêu cực… nảy nở, lan rộng cùng thủ đoạn ngày một tinh vi. Điều đó cắt nghĩa phần nào cho lời chia sẻ: kinh tế phát triển mà lòng người dân chưa vui, chưa yên vì đạo đức xã hội đi xuống! Xã hội trước đây nghèo nhưng hiền hòa, cuộc sống yên bình, không bon chen, ít có chuyện tham nhũng, tiêu cực. Đảng cùng toàn dân, hệ thống chính trị tiếp tục cuộc đấu tranh không khoan nhượng với những căn bệnh xã hội mang tính phổ biến toàn cầu đang ở giai đoạn nặng nề. Kết quả thu được là khích lệ, khả quan. Đó chính là loại trừ nguy cơ nội sinh và ngoại nhập của chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” uy hiếp nền hòa bình dân tộc.

Đất nước hòa bình, độc lập, tự do nhiều thập kỷ nhưng không thể quên lời Bác dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nước cũng bao hàm từng tấc đất thiêng liêng. Nước là chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nước là nền thái bình muôn thủa giành được bằng máu xương của nhiều thế hệ qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi là minh chứng đanh thép, thuyết phục cho giá trị và khát vọng hòa bình. Đảng và nhân dân dân ta đã và đang thực hiện ước mong của Bác - xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với cường quốc năm Châu. Muốn giữ vững nền hòa bình, phải tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước theo phương thức song hành, kết chặt phương thức xây và chống. Phải tiếp tục xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh bằng những cán bộ, đảng viên đủ đức tài, tâm, tầm, thiện nhân. Phải tiếp tục chống thù trong (lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa, hủ bại, xa rời lý tượng cách mạng, người lãnh đạo mất đạo đức, cán bộ, đảng viên sống xa hoa, hưởng lạc, vật chất…) và giặc ngoài đang ráo riết tiến hành các loại hình chiến tranh mềm, phi vũ trang, văn hóa, kinh tế, mạng xã hội: diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển hóa nội bộ, thúc đẩy kế sách không đánh (bằng quân sự - chiến tranh vũ trang) mà thắng (điểm đúng huyệt tham vọng, dục vọng thấp hèn của con người) để họ từ bỏ mục tiêu lý tưởng cao đẹp.

Chứng kiến những xung đột lớn, nhỏ dưới nhiều hình thức như chiến tranh kinh tế, xung đột vũ trang ở một số quốc gia, mọi người trên hành tinh này càng trào dâng khát khao hòa bình. Dân tộc Việt Nam quá thấm nỗi đau nước mất, nhà tan, cuộc đời nô lệ, bị nô dịch, đồng hóa; lại càng yêu chuộng hòa bình hơn hết. Lịch sử dân tộc đã lật sang trang mới ở những năm đầu thế kỷ 21; khó khăn, nguy cơ mới lại xuất hiện đan xen thời cơ vận hội.

Bệnh dịch, ô nhiễm môi trường sống, biến đổi khí hậu; cạnh tranh giữa các nước lớn; tham vọng bá quyền, bạo quyền cường quyền, chủ nghĩa phát xít mới, khủng bố… tái hiện và làm xáo trộn đời sống chính trị, kinh tế toàn cầu. Chủ động ngăn ngừa và loại trừ chiến tranh, giữ vững độc lập, hòa bình là bài học lớn, vô giá từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà nhân dân Việt Nam đã trải qua ở thế kỷ 20. Nó càng làm tăng thêm khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử là bệ đỡ của hiện tại và tương lai. Vận dụng sáng tạo bài học từ chiến thắng 30/4/1975 vào công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay chính là phát huy nghệ thuật giữ nước độc đáo và riêng có của mình.

Văn Hùng/KTĐU

Từ khóa: