Đó là yêu cầu chính trị mà ngành tuyên giáo (trước đây gọi là ngành tư tưởng - văn hóa) phải đạt được khi triển khai hành động. Để hoàn thành yêu cầu đó phải cố gắng rất nhiều.
Thực tế cho thấy, những năm qua, tình hình thế giới và trong nước luôn diễn biến đa dạng, phức tạp, nhiều tình huống diễn ra bất ngờ, khó lường. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua nhiều thách thức lớn, nhỏ để đưa kinh tế - xã hội đất nước phát triển, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong thành công đó, không thể thiếu được sự đóng góp của ngành tuyên giáo.
Hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội để đất nước phát triển nhanh; cùng đó là những thách thức vô cùng phức tạp, không dễ nhận diện và ứng xử dễ dàng. Đang tồn tại nhận xét: kinh tế đất nước phát triển, đời sống người dân đi lên nhưng một bộ phận xã hội tâm trạng không vui; ước gì kinh tế phát triển như bây giờ mà đạo đức xã hội lại được như ngày xưa? Các phương tiện truyền thông và thực tế cho chúng ta thấy những đánh giá trên không phải hồ đồ, nông cạn; trái lại có cơ sở thực tế, phản ánh khách quan đời sống xã hội hiện tại.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt với thách thức trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Bản chất của thế giới hội nhập chính là sự tác động qua lại lẫn nhau; ảnh hưởng và lệ thuộc theo cả hai chiều: tích cực và tiêu cực. Việt Nam đang xây dựng đất nước trong bối cảnh khác xa thế kỷ trước. Theo đó, ngành tuyên giáo buộc phải đặt câu hỏi và trả lời: đổi mới như thế nào và bằng cách nào hoàn thành chức trách trong tình hình mới?
Chủ động - là phải đi trước trong dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước; phương pháp tiếp cận các vấn đề, sự kiện, sự việc để làm tốt việc định hướng tư tưởng, nhận thức, giải quyết thành công những diễn biến, tư tưởng, tâm trạng xã hội bất lợi, tác động tiêu cực đời sống con người.
Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ chính trị cần làm ngay, triển khai quyết liệt, không ngưng nghỉ với thái độ không khoan nhượng đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thường xuyên, nhắc nhở kỹ lưỡng trong mỗi kỳ họp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đó là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy Đảng; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, thoái hóa biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, xã hội.
Kết quả bước đầu đã mang lại niềm tin, sự phấn khởi trong nhân dân, được nhân dân đồng thuận cao. “Chúng ta không thể thất hứa với dân, làm nhân dân thất vọng được. Dân mong chờ, Ủy ban Kiểm tra phải thế, Thanh tra phải thế, Kiểm toán phải thế, Tòa án phải thế. Chúng ta không chùng lại, thậm chí làm quyết liệt hơn. Nhất quyết không được để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức vào cấp ủy sắp tới”. Ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước thật sự thuyết phục lòng dân khi thể hiện quyết tâm chính trị, lời hứa với dân, với nước. Kết quả của cuộc đấu tranh mang tính xã hội cao này sẽ thuyết phục, củng cố lòng tin nhân dân với Đảng, nhà nước; đẩy lùi một bộ phận xã hội hoài nghi, băn khoan lo lắng, thậm chí bàn lùi và mất niềm tin.
Chỉ còn hơn một năm nữa đất nước ta bước vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một đại hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng của đất nước. Theo đó, nhiệm vụ của ngành tuyên giáo rất nặng nề, bề bộn việc. Nếu không biết sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, không chủ động đi trước, đón đầu ắt bị động, lúng túng. Nói thật, làm nhiều hơn nói, chống bệnh hình thức. Nói dễ hiểu, chống bệnh lý thuyết, giáo điều; luôn biết lắng nghe để thấu hiểu; giải quyết thấu đáo mọi khúc mắc về nhận thức; định hướng hành động xã hội.
Muốn thuyết phục phải có nhiều hành động nêu gương (cương vị càng cao càng tạo sức lan tỏa) được giới thiệu rộng rãi với kết quả cụ thể để xã hội tận thấy, nghe thấy, tâm phục, khẩu phục. Trong xã hội mà đời sống truyền thông đã phát triển ở mức cao, trình độ dân trí cũng vậy, thật khó giấu diếm những yếu kém, khuyết điểm.Gian dối, không trung thực dù tinh vi đến mấy cũng sẽ bị soi ra và vạch trần. Điều này đặt ra những yêu cầu mới rất nặng nề đối với những người làm công tác tư tưởng- tuyên giáo. Rằng, nếu không kịp nắm bắt tình hình, phản ứng linh hoạt, chủ động tuyên truyền một cách chính xác, chân thành sẽ khó tạo nên sự đồng cam, cộng khổ, đồng thuận, đồng lòng của xã hội. Đi trước và đón đầu những sự kiện, sự việc; nắm bắt sâu, chắc diễn biến tâm trạng, tư tưởng, nhận thức xã hội đòi hỏi người làm tư tưởng phải cần cù, chịu khó, sâu sát thực tiễn, có mặt ở những điểm nóng, sự việc nổi cộm; nắm chắc vấn đề mà xã hội, dư luận đặc biệt quan tâm, dõi theo và bày tỏ chính kiến. Đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng- văn hóa phải luôn có mặt ở địa chỉ ấy.
Hoạt động tư tưởng - văn hóa vừa thầm lặng vừa sôi động theo cả chiều sâu và bề nổi. Công việc ấy đòi hỏi phẩm chất dấn thân, sự nhạy bén chính trị, tính trung thực; biết và dám hy sinh. Người đứng đầu, người lãnh đạo nêu gương là bằng chứng thuyết phục hơn mọi lời diễn thuyết. Một việc làm nêu gương bằng trăm bài diễn thuyết. Vậy nên, thiếu nêu gương, thiếu việc làm tốt khó mà làm công tác tư tưởng, khó thuyết phục lòng người? Mỗi ngày, người dân tiếp nhận bao thông tin về mọi lĩnh vực đời sống, họ lo lắng cho đất nước, dân tộc mình, mong sao cuộc sống bình yên. Tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tình hình tham nhũng và đạo đức xã hội, phân hóa giàu nghèo; lĩnh vực y tế, giáo dục, nội chính luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Đó cũng là những trọng điểm mà công tác tư tưởng phải dõi theo, nắm vững bản chất, đề xuất phương án, phương pháp xử lý thông qua các kênh tuyên truyền, định hướng đặc biệt quan tâm kênh báo chí truyền thống và truyền thông phi truyền thống.
Kỷ niệm ngày thành lập ngành là dịp để mỗi người soi lại mình, khẳng định việc đã làm được và nhất là khuyết điểm, yếu kém, mau tìm cách khắc phục đặng mong hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Đó là hoạt động kỷ niệm có trách nhiệm, thiết thực, hiệu quả.
Văn Hùng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng