Sự kiện hot
9 tháng trước

Kỳ vọng tín dụng có sự cải thiện trong quý II/2024

Tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Các ngân hàng kỳ vọng tín dụng có sự cải thiện kể từ quý II/2024.

Theo đó, đến ngày 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt 0,15%/năm, 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Có 5/9 nhóm tổ chức tín dụng ghi nhận tín dụng giảm, trong đó nhóm ngân hàng liên doanh ghi nhận tín dụng giảm mạnh nhất, ở mức 3,41%; ngân hàng 100% vốn nhà nước giảm 2,2%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giảm 0,88%; nhóm thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng nước ngoài giảm 0,32%.

Kỳ vọng tín dụng có sự cải thiện trong quý II/2024.
Kỳ vọng tín dụng có sự cải thiện trong quý II/2024.

Theo các chuyên gia tài chính, điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng hiện nay chính là sự giảm sút nhu cấp hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp, do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng có thể cải thiện dần trong các quý còn lại của năm nay khi kinh tế hồi phục.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp như kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro OCB cho hay, cái khó nhất của ngân hàng hiện nay là lượng vốn chôn trong các dự án. Trong đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp đang không tạo ra được giá trị đâu đó tầm 2 triệu tỷ đồng. Nhưng chủ trương của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công sẽ là cơ hội cho tăng trưởng tín dụng. Có thể nhu cầu vay mua nhà của khách hàng mới chưa tăng, nhưng khi thị trường bất động sản ấm lên, thì không chỉ tín dụng bất động sản dự án, mà tín dụng mua nhà cũng tăng.

Kỳ vọng tín dụng có sự cải thiện trong quý II/2024 - Ảnh 1

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, dư nợ tín dụng trong tháng 1/2024 của ngân hàng này tăng nhẹ khoảng 0,2%, qua đầu tháng 2/2024 thị trường khả quan hơn, nên dư nợ tín dụng cuối tháng 2/2024 ước tăng khoảng 2%. “Dư nợ tín dụng giảm những tháng đầu năm cũng là chuyện bình thường, vì nhu cầu vốn của khách hàng chưa cao. Nhưng mục tiêu NHNN đặt ra 15% trong năm nay có khả năng sẽ đạt được”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, HDBank từng bước giảm lãi suất cho vay và chuẩn bị giảm thêm 0,3-0,5%. Lãi suất hiện nay không còn là rào cản đối với người đi vay, mà quan trọng là sức cầu của thị trường, đầu ra của sản phẩm. Đối với lĩnh vực nhà ở xã hội, trong năm nay, HDBank kỳ vọng được tháo gỡ khó khăn trong giải ngân để cho vay khoảng 5.000 - 7.000 tỷ đồng.

Đối với tín dụng tiêu dùng, HDBank có công ty tài chính trực thuộc là HD Saison và đang đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng tiêu dùng 10.000 tỷ đồng được NHNN giao và trong dịp Tết vừa qua cũng đã giải ngân được 6.800 tỷ đồng.

Được biết, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng tăng 25% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, khả năng chịu đựng yếu, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý, dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng giảm.

Tiến Hoàng (t/h)/KTDU

Từ khóa: