Sự kiện hot
13 năm trước

Lái xe buýt áp lực như... gỡ bom

Đường chật, xe đông, hành khách nhiều, áp lực khoán chuyến… khiến các tài xế xe buýt gặp nhiều áp lực khi cầm lái.

Đường chật, xe đông, hành khách nhiều, áp lực khoán chuyến… khiến các tài xế xe buýt gặp nhiều áp lực khi cầm lái.

Trước nhiều ý kiến phản ánh về việc tài xế và phụ xe buýt có nhiều hành vi, lời lẽ khiếm nhã với hành khách, PV Infonet đã ghi lại một số hình ảnh thường diễn ra trên tuyến xe buýt số 32 Giáp Bát – Nhổn (Hà Nội).

Đây là một trong những tuyến có nhiều điểm nóng và thường xuyên xuất hiện mâu thuẫn giữa hành khách với nhà xe.

Chửi thề, quát to, tai nạn rình rập

5 giờ chiều, xe bắt đầu chuyển bánh từ bến Giáp Bát với lượng khách thưa thớt. Nhưng chỉ đến điểm dừng chân cầu vượt, đối diện bệnh viện Bạch Mai, lượng khách lên ào ạt, xe nhanh chóng chật ních người. Thấy hành khách đứng lộn xộn, anh phụ xe nhắc nhở: “Đang giờ cao điểm, đề nghị hành khách đứng dồn xuống phía dưới xe”.

Lái xe buýt áp lực như gỡ bom

Lái xe buýt luôn phải đối mặt với nhiều áp lực trên đường. Ảnh LD

Tới điểm dừng khác, một cụ bà bước lên rồi đứng trước cửa, tài xế nhắc: “Bà tiến vào trong đi. Bà đứng đó chắn hết gương của con rồi”. Nhưng khổ nỗi cụ bà tai hơi nghễnh ngãng nên tài xế phải nói to và đến lần thứ ba cụ bà mới nghe rõ. Vì thế nghe cũng gần như nhà xe quát tháo hành khách. Nhưng xe chẳng còn chỗ trống, không biết đứng vào đâu, cụ bà đành đứng nguyên tại chỗ, cúi gập người xuống để bác tài nhìn gương.

Xe bon bon chạy trên đường Lê Duẩn, bỗng một đôi trai gái đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm lạng lách, tạt ngang đầu xe rồi quay lại cười mỉa.

Tài xế vội phanh gấp, hành khách trên xe le hét, ngã dúi về đằng trước. Thoát nạn trong gang tấc, bác tài lấy bàn tay quệt mồ hôi trên trán rồi chửi thề…

Đến điểm dừng ĐH Giao thông, hàng trăm sinh viên xếp hàng chờ đợi.

Dù xe vẫn lăn bánh, khách cứ ầm ầm lao tới, để tranh lên xe trước. Lái xe buộc phải bẻ lái sang bên trái để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Khách trên xe đã nèn chặt như nêm, lái xe buộc phải bỏ bến, cho xe đỗ cách đó rất xa để khách xuống. Nhưng khi cửa xe vừa mở, hành khách cứ ào ào lao lên, bám đu cả vào thành cửa.

Phụ xe và tài xế quát tháo ầm ĩ, yêu cầu khách xuống để đóng cửa xe.

Lái xe buýt áp lực như gỡ bom

Tập trung tối đa trong mọi tình huống. Ảnh LD

Xe lần lượt chạy qua các điểm chờ xe buýt trường Học viện Báo chí Tuyên truyền, trường ĐH Sư Phạm, ĐH Quốc Gia, rồi ĐH Thương Mại. Điểm chờ nào cũng có hàng trăm học sinh, sinh viên tràn xuống đường đứng chờ, thi nhau chen lấn xô đẩy để được lên xe. Chỉ một sơ suất nhỏ, tai nạn có thể xảy ra.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ, cuối cùng chiếc xe buýt cũng tới được điểm đỗ cuối cùng. Tài xế và phụ xe táp vào một quán nước trè, tranh thủ “bắn” vài điếu thuốc cho bớt căng thẳng, sẵn sàng lượt chạy mới.

Tiếp tục “chiến đấu lượt về” cũng tại tuyến Nhổn – Giáp Bát. Phải đến gần 10 giờ tối, phóng viên mới có mặt tại điểm dừng cuối cùng.

Áp lực = Bỏ nghề

Một tài xế xe buýt tuyến 32 Giáp Bát – Nhổn cho biết, tuyến này là áp lực nhất hiện nay, vì tương đối dài, lại phải chạy qua những đoạn đường thường xuyên bị ách tắc, những tuyến đường xe buýt số 32 chạy qua có rất nhiều trường ĐH.

Lái xe buýt áp lực như gỡ bom

Mỗi khi xe chưa kịp dừng, học sinh sinh viên chen chúc lên xe khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo phản ánh của tài xế, trên tuyến xe buýt số 32 có nhiều lái xe vào thử việc. Nhưng vì không chịu được áp lực, nhiều tài xế đã phải xin nghỉ sau vài ngày cầm lái. Thậm chí nhiều người lái thâm niên vẫn phải ngậm ngùi bỏ nghề vì lương thấp, lại không chịu được sức ép dọc đường.

Theo quy định mỗi ngày tài xế và phụ xe phải chạy trung bình 7 chuyến. Nếu hôm trước chạy ít hơn thì hôm sau sẽ phải chạy bù. Chạy không đủ chuyến, rất có thể tài xế sẽ bị trừ lương, nhưng nếu có chạy vượt chuyến thì cũng chẳng được gì.

Mặc dù lao động chỉ phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày, nhưng tài xế và phụ xe buýt luôn phải làm việc quá thời gian quy định, vì hầu hết các cung đường Hà Nội hiện nay đều xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.

Lái xe buýt áp lực như gỡ bom

Người đi đường cầm gậy ngả ra sau, đập mạnh vào đầu xe buýt. Ảnh LD

“Áp lực lớn nhất của người lái xe buýt là những giờ cao điểm, đường đông gây ùn tắc, các phương tiện cá nhân trên đường chạy ẩu. Cũng vào giờ cao điểm, lượng hành khách quá đông nên chúng tôi buộc phải bỏ bến để không cho khách lên chứ không phải do áp lực khoán chuyến” – một tài xế xe buýt cho biết.

Để lái được xe buýt thì tài xế phải có bằng E – loại bằng có thể nói là cao nhất trong các dòng xe ô tô thông dụng hiện nay.

Với loại bằng cấp này, nếu làm ở ngoài lái xe hoàn toàn có thể đạt thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng mà không phải chịu quá nhiều áp lực. Thế nhưng khi vào lái xe buýt, tài xế chỉ nhận được đồng lương ít ỏi từ 5 – 6 triệu đồng, mà áp lực lại rất cao. Người ta vẫn thường ví lái xe buýt căng thẳng như gỡ bom mìn.

Thực tế này khiến nhiều người bỏ nghề và ra làm việc trong một môi trường khác.

Nguyễn Dũng
Theo Infonet

Từ khóa: